‘Vua tiền mặt’ sàn chứng khoán: Dầu khí áp đảo, mang hàng chục ngàn tỉ gửi ngân hàng

Thống kê dựa trên báo cáo tài chính doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, nhiều đơn vị nắm giữ lượng tiền mặt dồi dào hàng chục nghìn tỉ đồng (vượt tỉ USD).
qdbankhdbank50-1722760916446471395439.jpg
"Tiền mặt là vua" là một câu nói quen thuộc nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiền mặt trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phần lớn tiền mặt được doanh nghiệp gửi ngân hàng lấy lãi, khoản lãi nhận về cũng bằng con số nhiều doanh nghiệp khác phấn đấu lợi nhuận ròng cả năm. Một số nơi đầu tư trái phiếu hoặc để trong "két".

Doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2024 vừa công bố cho thấy Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) nắm hơn 43.900 tỉ đồng (hơn 1,72 tỉ USD) tiền mặt, tăng hơn 3.100 tỉ đồng so với cuối năm ngoái.

Đây cũng là lượng tiền mặt lớn nhất mà doanh nghiệp này từng nắm giữ và chiếm gần một nửa tổng tài sản của PV Gas.

Chủ yếu mang tiền gửi ngân hàng, lãi nhận về nửa năm nay của PV Gas là 830 tỉ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ, dù số tiền gửi tăng hơn. Diễn biến này đồng pha với xu hướng giảm lãi suất huy động toàn hệ thống ngân hàng từ năm 2023 đến nay.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm nay PV Gas "bỏ túi" hơn 5.832 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn tăng, mức giảm một phần đến từ hao hụt lãi tiền gửi.

Cùng "họ" dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng thuộc top doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán. Cuối tháng 6-2024, tiền gửi ngân hàng của BSR đạt gần 40.000 tỉ đồng (gần 1,6 tỉ USD), tăng hơn 1.800 tỉ đồng so với đầu năm.

Nhờ mang cả "núi" tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi nhận về nửa năm nay của BSR đạt 640 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Về số dư tiền gửi của BSR, điểm lưu ý đến cuối quý 2, các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này vẫn bao gồm tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại OceanBank hơn 2.734,7 tỉ đồng vẫn đang tạm dừng giao dịch.

Thuyết minh tại báo cáo tài chính, ban tổng giám đốc BSR nhiều lần đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng thực tế năm này qua năm khác, khoản tiền vẫn "treo" ở đó.

Một số doanh nghiệp dầu khí vẫn kẹt tiền gửi tại OceanBank

Về tình hình kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của BSR - chủ Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đạt hơn 55.117 tỉ đồng, giảm gần 19%; còn lãi ròng đạt 1.883 tỉ đồng, giảm 36%.

Ông Bùi Ngọc Dương - tổng giám đốc BSR - cho biết trong tháng 3 và 4 năm nay, nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, theo BSR, trong quý 2 năm nay giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp. Theo đó, giá dầu thô giảm từ 90,15 USD/thùng trung bình tháng 4 còn 82,61 USD/thùng trong tháng 6…

Một công ty khác thuộc Tập đoàn Dầu khí là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - PVFCo (DPM) cũng tăng thêm lượng lớn tiền gửi vào ngân hàng hưởng lãi.

Cụ thể tính đến hết quý 2, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 15.700 tỉ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 9.700 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với đầu năm.

Tương tự BSR, thuyết minh báo cáo tài chính nhiều năm nay của Đạm Phú Mỹ cũng nhắc đến khoản tiền gửi hàng trăm tỉ đồng đang "kẹt" tại OceanBank.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7.378 tỉ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

Do giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ phục hồi đáng kể. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỉ đồng, tăng 37%.

Tại Petrolimex, tổng tiền mặt, tiền đang chuyển, tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu đạt gần 20.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6-2024, giảm gần 19% so với đầu năm.

Theo đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay Petrolimex nhận được về trong 6 tháng đạt 511 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 528 tỉ đồng cùng kỳ.

Thống kê dựa trên báo cáo tài chính quý 2-2024, một loạt doanh nghiệp khác cũng nắm giữ lượng tiền mặt, tương đương tiền, gửi ngân hàng rất lớn lên tới vạn tỉ đồng, như: ACV, Tập đoàn Hòa Phát, FPT, VEAM, Hóa chất Đức Giang, Vinamilk...

Theo dữ liệu từ WiGroup, nhiều ngân hàng đã và đang nâng lãi suất huy động. Trong đó các ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động từ 4,5% lên tới 5,15%. Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giữ nguyên ở mức đáy 4,68%.

Từ giờ đến cuối năm, làn sóng nâng lãi suất sẽ tiếp tục diễn ra, gồm cả ngân hàng lớn. Do vậy, doanh thu tài chính của doanh nghiệp có lượng tiền gửi lớn cũng được kỳ vọng cải thiện.