VN-Index Lại Tiếp Tục Đi Lùi, Về Mốc 1250 Điểm

Thị trường tiếp tục giao dịch ảm đạm trong phiên cuối tuần (ngày 13/6). Áp lực bán không quá lớn nhưng luôn thường trực, bên cạnh đó không có dòng tiền bắt đáy hỗ trợ khiến VN-Index để mất hơn 4 điểm trong phiên.
image(7).png
Diễn biến VN-Index

Mở cửa phiên sáng, VN-Index mở gap giảm điểm và tiếp tục diễn biến giằng co xuyên suốt thời gian giao dịch. Lực cầu vẫn tham gia thận trọng, áp lực bán thường trực khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index đang khá nỗ lực để giữ mốc 1.250 điểm.

Bước sang phiên chiều, sắc đỏ vẫn bao phủ diện rộng trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index duy trì xu hướng giảm, thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp. Lực cầu có xuất hiện trong phiên với nỗ lực thu hẹp đà giảm, tuy nhiên nhóm vốn hóa lớn vẫn điều chỉnh diện rộng gây áp lực lên chỉ số chung. Thị trường duy trì trạng thái giằng co, rung lắc dưới vùng giá thấp trong đến cuối phiên.

image(6).png
Bản đồ thị trường

Phiên hôm nay ghi nhận một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, chứng khoán có diễn biến hồi phục ổn định như FTS tăng 2,33%, DXG tăng 4,79%, NLG tăng 2,08%.

Nhóm trụ cột VN30 phân hóa, trong đó, 2 cổ phiếu GAS và VNM giảm mạnh nhất nhóm, cũng là hai mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung. Đáng chú ý, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của GAS theo tỷ lệ 6% và cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 50:1.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, dòng tiền đứng ngoài chờ đợi. Giá trị giao dịch cả 3 sàn hôm nay chỉ đạt khoảng 11.587 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn bán ròng trong phiên hôm nay dù đà bán ròng có giảm bớt, giá trị bán ròng toàn thị trường đạt gần 69 tỷ đồng, tập trung bán các mã VHM, MWG, VCI.

image(8).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 163 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,37%), xuống 1.251,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 482 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.173,5 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 98,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.013 tỷ đồng.

Sàn HNX có 80 mã tăng và 61 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,22%), lên 232,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 745 tỷ đồng, xấp xỉ về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 724 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 146 mã tăng và 141 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,24%), lên 92,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30 triệu đơn vị, giá trị 339 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,97 triệu đơn vị, giá trị đạt 11,6 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2409 giảm 3,4 điểm, tương đương -0,26% xuống 1.294,1 điểm, khớp lệnh hơn 193.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.500 đơn vị.

VN-Index ghi nhận diễn biến điều chỉnh rung lắc với biên độ 15 điểm và lùi về mốc hỗ trợ 1.250 điểm trong tuần này. Thanh khoản suy yếu qua các phiên và dòng tiền tuy vẫn có tín hiệu luân chuyển giữa các nhóm ngành nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực cho thị trường. Có thể thấy rõ là tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn thận trọng và việc thiếu dòng dẫn dắt đã dẫn đến tình trạng trầm lắng lình xình của thị trường ở giai đoạn này. Khối ngoại vẫn giao dịch chủ đạo là bán ròng, tuy nhiên mức độ đã phần nào hạ nhiệt ở tuần này.

CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc để lướt sóng hạ giá vốn đối với các cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và đang có xu hướng hình thành nền giá tích lũy tốt thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, với kỳ vọng xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn trong những phiên tới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể lọc trước và đưa vào tầm ngắm các cổ phiếu tiềm năng dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2024 sắp tới để canh giải ngân nếu xuất hiện những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm trong phiên của các cổ phiếu này theo diễn biến thị trường chung.

CTCK VPBankS cho rằng, chỉ số VN-Index để mất điểm nhưng chưa tạo đáy thấp hơn đang là tín hiệu tích cực. Cơ hội hình thành vùng đáy sẽ lớn dần nếu dòng tiền quay trở lại. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thận trọng, hạn chế giao dịch khi quá trình tạo đáy vẫn cần thêm thời gian để hình thành.

 

Theo Tài chính tiền tệ