Tăng khởi sắc
Tiếp nối phiên bật tăng mạnh hôm 16-8, trong tuần từ ngày 19 đến 23-8 vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng thêm 33 điểm. Cùng với đó là thanh khoản cũng có sự cải thiện, với khối lượng cổ phiếu giao dịch cao hơn mức trung bình các phiên trước đó, cho thấy dòng tiền dường như đã chú ý trở lại và nhập cuộc sôi động hơn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ được xem là động lực dẫn dắt chính trên thị trường. Trong đó, các cổ phiếu như VCB, BID, CTG, TCB hay VHM đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index trong tuần vừa qua. Triển vọng tăng trưởng kinh tế khởi sắc trở lại đang là yếu tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này, và thị trường chứng khoán có thể phản ánh trước kỳ vọng đó.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,1% trong năm 2024 và có thể đạt 6,5% trong các năm 2025-2026. Trước đó, hồi tháng 4-2024, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Những đánh giá tích cực hơn này dựa trên sự tăng trưởng xuất khẩu liên tục và dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với nhu cầu trong nước sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Ngoài ra, tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy sự phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP 6,4% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm 2023, trong đó nhờ vào xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được phục hồi, cũng như mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn. Một điểm đáng lưu ý khác là lạm phát theo chỉ số giá (CPI inflation) của Việt Nam năm 2024 dự kiến tiếp tục tăng, lên đến 4,5% từ mức 3,2% trong năm trước, do giá lương thực thực phẩm tiếp tục tăng cao.
Thực tế, những dữ liệu kinh tế công bố gần đây như các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất, chỉ số tiêu thụ và tồn kho của doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới… cũng đã cho thấy bức tranh lạc quan hơn và báo hiệu nền kinh tế đang ngày càng phục hồi tích cực hơn.
Thị trường chứng khoán theo đó sẽ hưởng lợi trước diễn biến này, cũng như trước khả năng nâng hạng đang ngày càng đến gần hơn. Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB cho rằng “Hàng tỉ đô la Mỹ của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Đồng thời, cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn và tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp”.
Tích lũy chờ bứt phá
Trong năm tháng qua, VN-Index đã có ba lần tiếp cận vùng 1.300 điểm, trong đó có lần đã vượt qua mốc này vào giữa tháng 6 khi lên đến 1.306 điểm, nhưng sau đó đã không thể tiếp tục đi lên mà nhanh chóng điều chỉnh trở lại. Có thể nói đây là vùng kháng cự mạnh và khá nhạy cảm với thị trường trong vòng hai năm qua. Với đợt phục hồi trong một tháng qua, VN-Index một lần nữa đang cho thấy cơ hội chinh phục vùng giá này.
Tâm lý nhà đầu tư có lẽ đã trở nên lạc quan hơn, nhất là khi những yếu tố cơ bản đang cải thiện tích cực hơn có thể hỗ trợ cho thị trường. Ngoài kỳ vọng kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, các thách thức cho nền kinh tế như rủi ro tỷ giá hay nỗi lo ngại về lãi suất hiện cũng đã hạ nhiệt.
Việc tỷ giá tăng nhanh trong những giai đoạn trước đây đã gây ra áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán, nhưng giờ thì mọi thứ đang đảo chiều khi tỷ giá đang đi xuống trở lại theo sau xu hướng giảm giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Với lãi suất, dù xu hướng tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, thậm chí một số ngân hàng còn có động thái giảm lãi suất trở lại trong những tuần gần đây. Điều quan trọng hơn là quan điểm về chính sách lãi suất cũng đã thay đổi, khi giới phân tích đều tin rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ít nhất sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Nhận định này là có cơ sở, khi các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên toàn cầu cũng đang trong lộ trình nới lỏng chính sách trở lại để hỗ trợ tăng trưởng.
Đặc biệt, việc NHTƯ lớn nhất thế giới là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ công bố giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 19-9 tới, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong bốn năm rưỡi qua, có thể là thông tin được các thị trường tài chính toàn cầu trông đợi nhất. Không loại trừ khả năng đây cũng sẽ là chất xúc tác quan trọng để giúp VN-Index bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm đã tồn tại khá lâu.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định gần như chắc chắn Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Mối quan tâm lớn hiện nay của thị trường là mức độ và cường độ cắt giảm của Fed trong năm nay. Thị trường đang kỳ vọng Fed có thể cắt giảm khoảng 0,75-1% lãi suất điều hành từ nay tới cuối năm. Nếu Fed đưa ra kế hoạch thận trọng hơn thì có thể tác động làm điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng sau nhịp tăng điểm tốt, xác suất cao VN-Index sẽ tích lũy trở lại từ 3-5 phiên trước khi hướng tới vùng điểm 1.300 nên việc thị trường rung lắc sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng với mức giá chiết khấu tốt. Do đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục, cân nhắc giải ngân thêm đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.
Dù vậy, trong nửa đầu tháng 9, thị trường có thể sẽ trải qua giai đoạn củng cố và tích lũy để có đà bứt phá mạnh mẽ nhất, khi mà quá khứ cho thấy hiệu suất trong tháng 9 không quá nổi trội, do nhà đầu tư giai đoạn này đang ngóng chờ kết quả rõ ràng hơn ở báo cáo tài chính quí 3. Cụ thể, VN-Index ghi nhận mức giảm bình quân 0,8% trong tháng 9 của 23 năm qua, trước khi bước vào giai đoạn thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm kéo dài cho đến đầu năm sau.
Theo Tạp chí tài chính