VN-Index Giằng Co Giữa Ngưỡng 1.100 Điểm Trong Phiên Giao Dịch Cuối Tuần

VN-Index luẩn quẩn quanh ngưỡng 1.100 điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay (22/12), biên độ giao động tối đa không quá 5 điểm

Sức ép từ bên bán không đủ nhiều để đẩy thị trường giảm sâu, tiền mua cũng nhỏ và chỉ chờ giá thấp khiến khả năng hồi lại tương đối dễ nhưng cũng lại không kéo mạnh. Trạng thái giằng co này khiến VN-Index luẩn quẩn quanh ngưỡng 1.100 điểm với biên độ tối đa không quá 5 điểm. Khối ngoại xả ròng tiếp hơn 507 tỷ đồng nhưng cũng không ảnh hưởng gì rõ rệt.

vn-index-giang-co-giua-nguong-1100-diem-trong-phien-giao-dich-cuoi-tuan-01
VN-Index giằng co giữa ngưỡng 1.100 điểm trong phiên ngày 22/12

Những phiên giao dịch cuối cùng của năm tài chính 2023 đang sắp hết và không có động lực nào để thị trường thay đổi. Biên độ dao động tối đa của VN-Index hôm nay chỉ là 0,53%, mức rất nhỏ, chỉ tương đương khoảng 5 điểm. Cả bên mua lẫn bên bán đều không thể tạo được sức ép vượt trội. Chỉ số xanh đỏ trong ngày hầu như do một vài cổ phiếu vốn hóa lớn quyết định.

Kéo điểm chỉnh cho VN-Index hôm nay là BID tăng 1,56% và GVR tăng 1,76%. Trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số có nhịp giảm rất nhanh xuống dưới tham chiếu sau đó lại tăng ngược lên. Cả BID lẫn GVR đều biến động giá khá mạnh. Ngoài ra các trụ như VIC, VCB, VHM cũng tham gia đẩy chỉ số quay ngược lên trên tham chiếu đồng thời giữ giá cho tới hết đợt ATC.

Nhìn từ độ rộng, thị trường vẫn chủ yếu là giằng co và khá cân bằng. Vn-Index đóng cửa với 197 mã tăng/284 mã giảm. Dù số mã đỏ nhiều hơn, nhưng cũng chỉ có 64 mã giảm hơn 1% với thanh khoản chiếm 13,9% sàn. Phía tăng ít hơn nhưng cũng có 57 mã tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 18,3% sàn. Như vậy đại đa số cổ phiếu cũng như thanh khoản tập trung ở nhóm biên độ rất nhỏ.

Dù vậy vẫn có những cổ phiếu cụ thể có cung cầu chênh lệch rõ rệt và tạo hướng dao động giá khá mạnh. Ở phía tăng, STB tăng 2,26% với 600,8 tỷ đồng khớp lệnh là mức thanh khoản cao nhất thị trường. CTD tăng 2,03% với 181,7 tỷ, PDR tăng 1,52% với 227,3 tỷ, HAG tăng 1,52% với 291,7 tỷ… là các đại diện nổi bật về thu hút dòng tiền tốt và giá tăng cao. Phía giảm có DXG giảm 2,34% với 223,9 tỷ, DIG giảm 1,34% với 252,5 tỷ, VND giảm 1,15% với 428,6 tỷ. Dĩ nhiên đây chỉ là số ít cổ phiếu có biến động lớn trên nền thanh khoản cao, còn đại đa số dao động rất hẹp bất kể là tăng hay giảm.

vn-index-giang-co-giua-nguong-1100-diem-trong-phien-giao-dich-cuoi-tuan-02

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ra nhiều cho tới tận những tuần cuối cùng của năm 2023. Phiên này HoSE bị rút đi 507,6 tỷ đồng nữa, trong khi mua ròng 8,4 tỷ ở HNX và 16,5 tỷ đồng trên UpCOM. Tính riêng sàn HoSE, tổng giá trị bán ra của khối ngoại chiếm gần 12,3%. Đây là tỷ trọng giao dịch đã giảm xuống đáng kể. Tỷ trọng trung bình trong 4 phiên đầu tuần này khối ngoại bán trên HoSE khoảng 17,9%. Khối này duy trì mức bán ròng lớn một phần là do lực mua đối ứng không mạnh chứ không hẳn là do quy mô bán cao đột biến.

Các cổ phiếu bị xả ròng lớn hôm nay là HPG -93,4 tỷ, VND -79,5 tỷ, MSN -67,1 tỷ, SSI -42,9 tỷ, VPB -41,5 tỷ, VCB -37,3 tỷ, VNM -28,2 tỷ, STB -23,4 tỷ. Phía mua có MWG +54,8 tỷ, HDB +23,2 tỷ là đáng kể.

Tính riêng phiên chiều, thanh khoản hai sàn đã mạnh lên khá tốt, khớp thành công 7.107 tỷ đồng, tăng gần 41% so với phiên sáng. Đây cũng là phiên chiều giao dịch cao nhất trong 3 phiên. Nhìn từ độ rộng, thanh khoản cải thiện này đi cùng với diễn biến phục hồi giá cổ phiếu. Cụ thể, chốt phiên sáng VN-Index có 141 mã tăng/290 mã giảm, kết thúc phiên là 197 mã tăng/284 mã giảm. Dù vậy đây vẫn là mức giao dịch thấp và như mới nói ở trên, đại đa số cổ phiếu vẫn chỉ là dao động với biên độ rất hẹp.

VN-Index kết thúc tuần với mức tăng chung cuộc chưa tới 1 điểm (+0,76 điểm) so với cuối tuần trước và lấy lại toàn bộ mức giảm của phiên đầu tuần. Đáy sâu nhất chỉ số chạm tới trong tuần này tương đương với vùng đáy đã cân bằng được thời điểm cuối tháng 11 vừa qua. Giao dịch khớp lệnh trung bình của VN-Index trong tuần cũng chỉ đạt 10.251 tỷ đồng, mức thấp nhất tính theo tuần kể từ đầu tháng 5/2023. Diễn biến này thể hiện sự cân bằng đạt được trong ngắn hạn.

 

Theo Vneconomy