Những Mã Chứng Khoán Ngành Logistic Là Điểm Sáng Đầu Tư Năm 2023-2024

Nhiều cổ phiếu nhóm ngành logistic có sự tăng giá khá tích cực. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội đầu tư đáng mong đợi

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được đánh giá là giai đoạn cổ phiếu logistics được hưởng lợi khi hoạt động thương mại, mua bán, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh. Chuyên gia cho rằng hiện tại là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu ngành này.

Do đặc thù riêng nên cổ phiếu nhóm ngành logistics có ít “tay chơi”. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm ngành logistics vẫn cho thấy đà tăng giá khá tích cực cho dù nhiều cổ phiếu đang rơi vào xu hướng điều chỉnh sau giai đoạn tích cực.

Gã khổng lồ “ngấp nghé” câu lạc bộ tỷ USD

Điển hình, trên sàn HoSE, một số cổ phiếu đáng ghi nhận là PVT (PVTrans), VOS (Viconship), HAH (Vận tải và xếp dỡ Hải An)…

1438-nhung-ma-chung-khoan-nganh-logistic-la-diem-sang-dau-tu-nam-2023-2024_6562130c71399.jpeg

Đáng chú ý, cổ phiếu GMD của “gã khổng lồ” ngành cảng biển Gemadept vẫn âm thầm đi lên vượt đỉnh lịch sử bất chấp “cơn bão” của VN-Index.

So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu GMD đã tăng hơn 61% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 21.700 tỷ đồng (~900 triệu USD), qua đó đưa Gemadpet “ngấp nghé” câu lạc bộ tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Không chỉ trên sàn HoSE, trên UPCoM, cổ phiếu CLL (Cảng Cát Lái), cổ phiếu PHP (Cảng Hải Phòng)… cũng cho thấy diễn biến tích cực.

Ngược lại, cũng có những cổ phiếu diễn biến kém khả quan như cổ phiếu TMS (Transimex), cổ phiếu VSC (CTCP Tập đoàn Container Việt Nam)…

Nhìn chung, diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu logistics trong bối cảnh thị trường vận tải biển đang dần có những sự khởi sắc sau nhiều tháng sản lượng hàng hóa liên tục giảm.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 564,917 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3%.

Thực tế, việc các doanh nghiệp kinh doanh tưng bừng báo lãi cũng phần nào minh chứng cho điều này.

Chẳng hạn, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Gemadept đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 145%. Với kết quả đạt được, “gã khổng lồ” ngành logistics và khai thác cảng đã gần cán đích lợi nhuận cả năm đề ra sau 9 tháng đầu năm.

Tương tự, Cảng Hải Phòng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 618,4 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số doanh nghiệp khác như Cảng Đình Vũ (DVP), Cảng Xanh VIP (VGR), Cảng Đà Nẵng (CDN), Cảng Cam Ranh (CCR), Cảng Sài Gòn (SGP) cũng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng.

"Điểm rơi" lợi nhuận tốt, cổ phiếu được hưởng lợi

Có thể thấy, cổ phiếu nhóm ngành logistics có đặc trưng là khá “cục bộ”, tập trung vào một số “ông lớn” như Gemadept, PVTrans, Viconship… Cùng với đó, so với các doanh nghiệp lĩnh vực khác, doanh nghiệp logistics trên sàn chứng khoán đa phần vốn hóa nhỏ, lượng cổ phiếu thấp và cô đặc nên khá “kén” nhà đầu tư.

Giới phân tích đánh giá, dù không quá nổi bật trên thị trường, nhưng cổ phiếu logistics vẫn có những “điểm sáng”. Và cuối năm 2023, đầu năm 2024 là giai đoạn cổ phiếu logistics được hưởng lợi khi hoạt động thương mại, mua bán, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp ngành logistics có được “điểm rơi” lợi nhuận tốt - tương đồng với giai đoạn của thị trường chứng khoán kỳ vọng bật mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, khi lựa chọn cổ phiếu logistics, nhà đầu tư cần lưu ý đến 2 yếu tố. Đầu tiên là yếu tố chu kỳ do nhu cầu sản lượng vận tải biển trên toàn cầu mang tính chu kỳ lớn, qua đó sẽ tác động đến sản lượng vận tải biển cũng như biến động giá cước vận tải biển trong từng giai đoạn. Cụ thể hơn, sau giai đoạn sản lượng tăng mạnh vào cuối năm, giai đoạn quý I thường là giai đoạn thấp điểm do mùa Đông ở Bắc bán cầu, cùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Hoạt động vận tải biển sẽ trở lại từ giữa tháng 4 khi vào mùa xây dựng ở Bắc bán cầu, đi ngang trong quý III trước khi lại tăng trở lại trong quý IV và bắt đầu một chu kỳ mới.

Yếu tố thứ hai cần chú ý đó là biến động lãi suất cho vay bằng đồng USD do các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển Việt Nam thường vay USD để mua sắm đội tàu cũng như các thiết bị vận hành cảng biển.

“Nếu lựa chọn cổ phiếu logistics, nhà đầu tư nên lưu ý các doanh nghiệp cảng biển có tài sản tốt, định giá đang được chiết khấu cao do phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán về bối cảnh vĩ mô chưa thực khởi sắc từ nay tới nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong dài hạn, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và ngành cảng biển Việt Nam nói riêng được dự báo tích cực nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào, nên hiện tại là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu”, Chứng khoán BSC nhấn mạnh.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán AIS cho biết, hiện nay, Gemadept là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, sở hữu nhiều kho bãi, cảng biển…, và cổ phiếu GMD đang ở trong vùng giá cao kỷ lục, bất chấp thị trường biến động. Nói cách khác, GMD đang cho thấy sức chống chịu khoẻ của một cổ phiếu tốt. Đặc biệt, với việc đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt từ 10-20% mỗi năm, cổ phiếu GMD càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

“Cổ phiếu GMD sẽ còn lập đỉnh mới, có thể lên đến 75.000 đồng/cp, nên rất tiềm năng với các nhà đầu tư trong tương lai”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Kiên cũng đưa ra một số cổ phiếu của doanh nghiệp logistics khác đáng quan tâm là Cảng Sài Gòn (SGP), Cảng Đình Vũ (DVP)…

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Chứng khoán MB khuyến nghị, nhà đầu tư có thể đưa vào danh mục quan sát cổ phiếu của GMD và HAH.

Theo ông Dũng, Vận tải và xếp dỡ Hải An sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam và đang mở rộng quy mô với dự kiến tiếp nhận 4 tàu container mới trong giai đoạn 2023 - 2024, tương đương với khả năng nâng tổng công suất vận tải biển thêm 40%. Năm 2023, lợi nhuận của Hải An dự báo giảm 45% so với năm 2022, vì kết quả kinh doanh sụt giảm trong nửa đầu năm, nhưng sẽ dần phục hồi từ năm 2024.

Còn với Gemadept, động lực tăng trưởng lợi nhuận thời gian tới là hoạt động mở rộng nhiều cảng, kết hợp với khả năng giá cước container sẽ được điều chỉnh tăng 10% kể từ đầu năm 2024.

Chuyên gia phân tích ngành cảng, vận tải biển, ngân hàng Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm, Chứng khoán Bảo Việt cũng đánh giá cao cổ phiếu GMD và đưa gia khuyến nghị tích cực với cổ phiếu PVT bởi giá cước vận tải xăng dầu và giá cước VLGC (tàu chở khí hoá lỏng) đang được neo ở mức cao. Bên cạnh đó, chiến lược trẻ hóa đội tàu và tập trung vào phân khúc quốc tế của PVTrans là một hướng đi đúng.

 

Theo Tạp chí Tài chính