Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nâng cao sức khoẻ, tập luyện thể dục thể thao. Ngoài việc tham gia các bộ môn thể thao, những sản phẩm, thiết bị giúp thư giãn, nâng cao sức khoẻ tại nhà cũng được nhiều người ưu tiên chọn lựa. Nổi bật trong số đó phải kể đến các sản phẩm ghế massage.
Bên cạnh đó, với việc ngày càng nhiều người trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe do thói quen làm việc và sinh hoạt, ngồi văn phòng, lười vận động, việc theo đuổi các trải nghiệm tăng cường sức khỏe ngày càng rõ ràng. Ghế massage với ưu điểm như thoải mái, nhanh chóng, tiện lợi… sẽ dần thay thế massage thủ công truyền thống và trở thành "mốt thời thượng".
Mặt khác, trước việc gia tăng tốc độ già hóa dân số, nhu cầu sử dụng các sản phẩm massage của người trung niên và cao tuổi cũng sẽ tăng lên. Mỗi loại máy massage đều có ưu thế riêng, nhiều tính năng đa dạng, kiểu dáng và mức giá khác nhau. Theo đó, giá tiền của mỗi chiếc máy cũng dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Nắm bắt nhu cầu đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này và cứ mỗi năm, thị trường Việt Nam lại chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thương hiệu ghế massage. Điều này cũng góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu ghế massage có chất lượng tốt, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất và quảng bá chuyên nghiệp, vẫn còn một số thương hiệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được phân phối trên thị trường. Thậm chí, để gia tăng doanh thu, có thương hiệu ghế massage còn không ngại tung ra những 'chiêu' bài quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm để dẫn dụ, thu hút người tiêu dùng. Điều này khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng bởi không biết sản phẩm có thực sự tốt như quảng cáo của doanh nghiệp hay không.
Ghế massage 'trị liệu', công dụng thật hay chỉ là chiêu lừa?
Có thể lấy ví dụ điển hình từ trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo (có địa chỉ tại số 65, phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Công ty này hoạt động từ năm 2016, người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Khôi. Thời gian qua, trên trang website và Facebook thuộc sở hữu của công ty, nhiều sản phẩm ghế massage được quảng cáo có khả năng trị liệu chuyên sâu, hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp.
Cụ thể, trên website https://tokuyo.com.vn/, sản phẩm ghế massage Nhật Tokuyo TC-675 được quảng cáo có khả năng “hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, hỗ trợ điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm” và có khả năng giúp “lưu thông khí huyết, tăng cường sinh lực, giải toả căng thẳng, đẩy lùi cơn đau lập tức, phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, đào thải độc tố, đánh tan mệt mỏi…”. Sản phẩm còn được khuyến cáo dành cho người bị bệnh xương khớp, phụ nữ mang thai, bệnh nhân sau tai biến.
Chưa dừng lại ở đó, trên trang Facebook của công ty còn lồng ghép, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dùng về dịch Covid-19 để quảng cáo sản phẩm. Sản phẩm ghế massage Tokuyo được quảng cáo có khả năng “hỗ trợ đẩy lùi di chứng Covid-19”, “tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống bệnh tật”. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có cơ quan y tế nào xác nhận công dụng này của các loại ghế massage trên thị trường.
Trên website của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo cũng đăng tải hàng loạt bài viết tư vấn về các bệnh liên quan tới xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hoá xương khớp, bệnh loãng xương. Sau đó, lồng ghép nội dung quảng cáo thương hiệu sản phẩm ghế massage Tokuyo để thu hút người dùng. Điều này dễ khiến người dùng hiểu lầm công dụng thực sự của sản phẩm trong việc điều trị các bệnh kể trên.
Có thể thấy, dù đưa ra nhiều ngôn từ hoa mỹ để quảng cáo cho sản phẩm của mình nhưng Công ty TNHH Thương mại Tokuyo lại không đưa ra bằng chứng khoa học hay bất cứ tài liệu nào để chứng minh sản phẩm ghế massage Tokuyo có công dụng ”trị liệu“ và phòng ngừa bệnh như quảng cáo.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao những nội dung quảng cáo như trên lại xuất hiện trên các trang website, Facebook chính thức của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo? Căn cứ nào để Công ty TNHH Thương mại Tokuyo quảng cáo sản phẩm ghế massage Tokuyo có khả năng trị liệu, thậm chí đóng vai trò của "bác sĩ trị liệu"? Đây có phải hành vi lừa dối người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm hàng hoá?
Liên quan tới vấn đề trên, theo ý kiến của chuyên gia, ghế massage hiện là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất và có giá trị gia tăng cao nhất trong các thiết bị massage. Và trong những ngày đầu, với lợi thế tiếp cận sớm các nền tảng thương mại điện tử và kinh nghiệm làm tiếp thị, một số công ty sản xuất và OEM ghế massage giá rẻ đã nhanh chóng tiến vào thị trường, thu hút người tiêu dùng với chiến lược giá thấp.
Trước đây, những chiếc ghế massage được xem là thiết bị gia dụng cao cấp, có giá lên tới cả trăm triệu đồng thì giờ đây, bạn dễ dàng có thể sở hữu chỉ với 40-50 triệu đồng, thậm chí đặt mua từ Trung Quốc về với giá chỉ 15-20 triệu đồng kể cả phí vận chuyển.
Tuy nhiên, do thiếu tích lũy kỹ thuật, các nhà sản xuất nhỏ nói trên có xu hướng đẩy sản phẩm của mình lên tầm cao hơn bằng cách cải thiện hình thức bên ngoài và đa dạng tính năng phụ trợ, thay vì chú trọng vào chất lượng và độ an toàn. Kinh nghiệm non kém, dịch vụ hậu mãi khó được đảm bảo khiến thị trường ghế massage đang dần trở nên hỗn tạp.
Bên cạnh các thương hiệu ghế massage truyền thống thì ngày càng có nhiều thương hiệu, sản phẩm ghế massage mới từ trung cấp đến cao cấp, thậm chí cả thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng cũng lấn sân sang lĩnh vực ghế massage. Người tiêu dùng như bị đưa vào ma trận không có lối thoát.
Trước tình trạng này, người dùng không nên vội vàng tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở, vượt ngoài tầm công dụng của một sản phẩm như ghế massage. Đồng thời, trước khi chọn mua cần quan tâm tới chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không mua các sản phẩm không thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục đề cập sự việc trong các bài viết sau!
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. |
Theo Vietq.vn