Yêu cầu Shopee gỡ bỏ, thu hồi sản phẩm
Cục Quản lý Dược vừa nhận được kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hải Dương được mua trên sàn TMĐT Shopee đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại Anh bao gồm:
1/ Dr Therapy Melasma-Best for spa Night cream, NSX: 16/5/2022; HSD 16/5/2025;
2/ Dr Therapy Melasma - Best for spa Day cream, NSX: 16/5/2022; HSD: 16/5/2025);
3/ Dr Therapy Melasma - Cream Perfect for spa, NSX: 05/01/2021; HSD: 04/01/2024).
Tất cả 3 sản phẩm này sau khi kiểm nghiệm đều chứa hàm lượng Thủy ngân vượt quá mức cho phép, không đáp ứng yêu cầu về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm. Thành phần công thức sản phẩm ghi trên nhãn có chứa chất Hydroquinone 2% là chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định. Đồng thời 3 sản phẩm này chưa được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với mỹ phẩm nhập khẩu, không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Cục Quản lý Dược đã chuyển hồ sơ cho Cục Thương Thương mại điện tử và Kinh tế số để thông báo cho Công ty TNHH Shopee và các sàn TMĐT, yêu cầu ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm vi phạm này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Shopee tiến hành thu hồi các sản phẩm đã bán cho khách hàng.
Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm
Theo Cục Quản lý Dược, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo chất lượng sản phẩm mỹ phẩm và chỉ lưu thông các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật, Cục đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm về 3 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được phép lưu thông trên thị trường.
Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, không sử dụng 3 sản phẩm nêu trên; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của 3 sản phẩm vi phạm nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
Cục Quản lý Dược cũng nhấn mạnh, để xử lý hạn chế tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội (zalo, facebook,…), Cục Quản lý Dược đang tích cực phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) rà soát các website TMĐT phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.
Đặc biệt, để tăng cường công tác trên, ngày 28/7/2022, Cục đã có văn bản 7261 /QLD-MP chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm online nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp phép, không rõ nguồn gốc…