Phiến Giao Dịch Ngày 10/1: Ngành Ngân Hàng Vẫn Là Trụ Cột Chính

Vn-Index trong ngày hôm nay (10/1), thị trường vẫn đang dẫn đầu bởi những nhóm chứng khoán ngân hàng

Việc điều chỉnh sau 7 phiên tăng liên tiếp của chỉ số VN-Index không thực sự đáng ngại. Bởi ngay sau đó, chỉ số vẫn có thể hồi phục trở lại. Vấn đề của thị trường vẫn là sự phân hóa mạnh hơn giữa ngân hàng và các nhóm ngành khác.

 

Định vị thị trường

Thị trường chứng khoán mạnh nhất châu Á trong năm 2023 tiếp tục thể hiện được sự dẫn dắt tâm lý cho cả khu vực. Trong phiên hôm nay (ngày 10/1), NIKKEI 225 (+2%) tiếp tục có phiên tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 34 năm.

Trái ngược lại, một loạt các thị trường khác như KOSPI (-0,75%), STI (-0,82%), SHCMP (-0,54%), TWSE (-0,21%) đều giảm điểm. Qua đó, cho thấy, sự phân hóa cũng đang diễn ra trong vận động ở khu vực.

VN-Index đang ưu tiên cho những nỗ lực chinh phục lại vùng 1.160 điểm, bởi đây cũng là khu vực có 2 lần thất bại gây ra nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường cuối năm 2023.

Chất xúc tác

Thị trường đã hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành một sóng tăng mới, trong đó biến số được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là dòng tiền đang thể hiện tích cực.

Tính đến hết phiên hôm nay, khớp lệnh của HOSE đã đạt liên tiếp 7 phiên trên mức bình quân 20 phiên. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt trên 20.000 tỷ đồng với sự tham gia đông đảo của các mã ngân hàng như: SHB, STB, VPB, MBB, ACB, TPB, CTG, đều đạt trên 400 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, tỷ trọng của nhà đầu nội đã tăng hơn so với phiên hôm qua, đạt 94%. Khối ngoại với tỷ trọng 2 chiều chỉ chiếm chưa đến 6% nên hoạt động bán ròng vẫn ít tạo được sự chú ý. Theo thống kê, khối ngoại bán ròng kể từ đầu năm với tổng giá trị ròng hơn 1.500 tỷ đồng.

Vận động thị trường

Như đã đề cập ở trên, vùng kháng cự 1.160 điểm đang là ưu tiên của thị trường để có thể hình thành sóng tăng mới. Ngân hàng đã và đang là trụ cột để châm ngòi cho sóng tăng của thị trường.

Ngay trong phiên hôm qua, thị trường dường như đã đứng trước khả năng giảm đồng loạt, thì một loạt cổ phiếu ngân hàng lại cùng đứng ra gỡ điểm số khiến việc điều chỉnh diễn ra khá nhẹ nhàng.

Phần lớn nhà đầu tư đều đã cảm nhận được sức nóng của ngân hàng với nhiều cổ phiếu như: MBB, CTG, VCB, SHB, đã đạt mức tăng hơn 10% từ đầu năm (tính đến hết phiên ngày 10/1).

Việc mua mới với các cổ phiếu ngân hàng không được nhiều chuyên gia khuyến nghị nhưng hành động nắm giữ để tối đa lợi nhuận với các cổ phiếu này vẫn được duy trì.

Vấn đề của thị trường là cần phải có nhóm ngành đón được dòng tiền đang chuẩn bị chốt lời khỏi ngân hàng chưa thể sự tiếp nối chuyển động. Thay vì tăng giá, các mã như; HPG (-1,28%), SSI (-0,88%), VND (-1,81%), HSG (-0,91%), VCI (-2,11%), vẫn "lạc lối" trong nhịp điều chỉnh.

Các mã bất động sản, bán lẻ như: PDR (-2,1%), DIG (-2,19%), CII (-1,9%), TCH (-2,22%), DXG (-1,02%), FRT (-1,59%), DGW (-2,33%), đều bị bán ra.

Sắc đỏ của HOSE đạt 54% mã giảm. VN-Index dù đã tăng điểm trở lại nhưng chưa phải trạng thái bứt phá mạnh khỏi 1.160 điểm. Chỉ số tăng 2,95 điểm lên 1.161,54 điểm (+0,25%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 20.756 tỷ đồng.

Còn HNX-Index và UPCoM-Index lại giảm 0,47% và 0,66%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 3.000 tỷ đồng.

 

Theo Tài chính tiền tệ