Ông Trịnh Văn Quyết Năm Giữ Bao Nhiêu Cổ Phần Tập Đoàn FLC

Ông Trịnh Văn Quyết mặc dù đã rời khỏi các chức vụ tại tập đoàn này do vướng lao lý song vẫn là cổ đông lớn nhất tại FLC, sở hữu hơn 30% vốn điều lệ.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2024.

2341-ong-trinh-van-quyet-nam-giu-bao-nhieu-co-phan-tap-doan-flc-1_66b0f826e034e.png

Với vốn điều lệ công ty ở mức 7.100 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết mặc dù đã rời khỏi các chức vụ tại tập đoàn này do vướng lao lý song vẫn là cổ đông lớn nhất tại FLC.

Theo báo cáo này, tại thời điểm 30/6, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 215.436.257 cổ phiếu FLC, chiếm tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Ông Quyết xuất hiện trong bản báo cáo với tư cách là người có liên quan với người nội bộ là ông Lê Bá Nguyên. Ông Quyết là em rể của ông Nguyên.

Ngoài ông Quyết, các cá nhân, tổ chức khác liên quan ông Lê Bá Nguyên đều không sở hữu cổ phiếu nào tại FLC. Bản thân ông Nguyên hay em gái ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) cũng không nắm cổ phần tại FLC.

Trong kỳ không phát sinh giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu FLC liên quan tới người nội bộ và người có liên quan tới người nội bộ. Thực tế, FLC vẫn đang bị đình chỉ giao dịch và chưa có tin tức về kế hoạch quay trở lại giao dịch trên sàn UPCoM do liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, nợ chồng chất báo cáo, đặc biệt là báo cáo tài chính với công chúng nhà đầu tư.

Về phần FLC, nửa đầu năm nay tiếp tục là giai đoạn bận rộn với công tác nhân sự cấp cao. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên ban hành hồi tháng 2 thông qua việc miễn nhiệm 4 nhân sự, bao gồm: miễn nhiệm ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Thái Sâm khỏi chức vụ thành viên HĐQT kể từ 20/2; miễn nhiệm ông Nguyễn Tri Thống, ông Nguyễn Quang Thái khỏi chức vụ thành viên Ban kiểm soát từ 20/2.

Đồng thời, bầu bổ sung ông Lê Tiến Dũng, ông Ngô Đặng Hoàng Anh vào chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026; bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Vân Anh, bà Nguyễn Thu Hiền vào chức vụ thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, đến nay, HĐQT FLC có 5 thành viên gồm ông Lê Bá Nguyên là Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT khác là bà Vũ Đặng Hải Yến, bà Trần Thị Hương, ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

HĐQT công ty trong suốt 6 tháng chỉ ban hành 16 nghị quyết với một số nội dung như chấp thuận đề nghị thôi chức Phó Tổng giám đốc của ông Trần Thế Anh, đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT, thay đổi người đại diện tại một số công ty FLC góp vốn…

Ông Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ hệ sinh thái FLC bị bắt vào năm 2022. Kể từ đó tới nay đã hơn 2 năm trôi qua, FLC gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và công bố các báo cáo tài chính.

Chiều nay, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, bị tuyên 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 6 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù.

 

Theo Dân trí