Nở rộ xe cà phê di động ở Hà Nội

Vài tháng gần đây Lệ Thủy thấy dọc một số tuyến đường của quận Cầu Giấy xe bán cà phê dạo "mọc lên như nấm", khoảng 10 m có một xe.

Đây là niềm vui của cô gái 27 tuổi bởi thói quen uống cà phê mỗi sáng được thỏa mãn dễ dàng hơn. Hai năm làm việc tại nhà vì dịch Covid, Thủy đã "nghiện" cà phê. Khi trở lại văn phòng, mọi chuyện trở nên khó khăn bởi các quán cà phê gần nhà phải 8h mới mở cửa, nếu chờ mua cô sẽ bị muộn làm.

Để đối phó với cơn thèm cà phê, Thủy gọi trên ứng dụng dù giá khá đắt, 35.000-45.000 đồng mỗi ly, tốn hơn một triệu đồng mỗi tháng.

Nhưng Thủy nói "túi tiền đã được giải cứu" khi từ đầu năm đến nay dọc đường đi làm, đoạn từ đường Nguyễn Ngọc Vũ đến Duy Tân (quận Cầu Giấy) xuất hiện vài chục xe cà phê bán dạo, giá từ 12.000 đồng đến 17.000 đồng một ly. "Từ đen, nâu hay bạc xỉu đều hợp khẩu vị của tôi. Chỉ cần ghé xe sát lề đường, chờ một, hai phút", cô đánh giá.

quán cà phê di động
Trên đường Dương Đình Nghệ cứ cách vài mét lại có một quán cà phê di động mở bán từ sáng sớm đến trưa. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhật Minh (30 tuổi) thường uống cà phê bán dạo mỗi sáng thời còn ở TP HCM. Từ khi chuyển công tác về Hà Nội một năm trước, anh buộc phải uống cà phê hòa tan bởi quanh nơi sống không có xe bán dạo, còn vào quán gọi đồ vừa mất thời gian lại khó tìm chỗ đỗ xe và giá đắt.

Gần đây anh nhận thấy xe cà phê bán dạo "kiểu Sài Gòn" xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội.

"Chúng mọc lên như nấm sau mưa. Không khó để tìm thấy một nơi bán cà phê lúc 6h ở bất kỳ đâu, mà giá chỉ bằng 1/3 bát phở", Minh nói.

Khảo sát nhanh của VnExpress dọc các tuyến đường như Duy Tân, Trung Kính, Dương Đình Nghệ, Thành Thái (quận Cầu Giấy); Trịnh Văn Bô, Lê Quang Đạo, Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm); chùa Láng, Láng (quận Đống Đa) trước chỉ có quán cà phê cố định, nay xuất hiện thêm hàng chục xe bán di động dọc đường. Hầu hết hoạt động từ 6h đến trưa, chủ yếu phục vụ dân văn phòng mua mang đi.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh (Hà Nội), cho biết cà phê bán dạo ở Hà Nội thực tế đã có hơn chục năm trước nhưng không phổ biến. Sự bùng nổ của các xe cà phê di động vài tháng gần đây thể hiện nhịp sống thay đổi, đánh trúng tâm lý sử dụng các dịch vụ tiện dụng, phù hợp với kinh tế của người tiêu dùng.

"Mô hình này cũng giải quyết được vấn đề việc làm , nhất là trong bối cảnh thất nghiệp, phá sản gia tăng do ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh", ông Cương nói.

quán cà phê di động
Anh Tâm (áo xanh) đang pha chế cà phê muối cho một vị khách trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy), sáng 26/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

 

Nhiều năm là chủ một quán cà phê nhưng anh Lê Tâm (35 tuổi) vừa phải đóng quán, trả lại cửa hàng do giá thuê mặt bằng cao, thu không đủ chi. Nhận thấy nhu cầu uống cà phê mang đi lớn, anh thử làm xe di động đứng bán tại đường Trung Kính (quận Cầu Giấy).

"So với mở quán, xe cà phê di động thuận tiện bởi không mất tiền thuê mặt bằng, bàn ghế hay đồ trang trí, lại dễ thu hút khách nếu sản phẩm chất lượng", anh Tâm nói. Sau bốn tháng, hiện mỗi sáng anh bán hết 3 lít cà phê cô đặc, tương đương vài chục cốc đã pha chế, phục vụ dân văn phòng, giá từ 15.000-20.000 đồng một ly.

Ngoài cà phê truyền thống, hơn hai tháng qua khi món cà phê muối kiểu Huế trở thành "hot trend" ở Thủ đô, nhiều người kinh doanh cũng bổ sung vào thực đơn.

Chị Chi, chủ xe đồ uống di động trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy) từ tháng 6 năm nay, cho biết cà phê muối là sản phẩm bán chạy nhất. Trung bình mỗi sáng chị bán được vài chục cốc, chưa kể các đồ uống khác. Không chỉ người đi xe máy, nhiều khách đi ôtô cũng dừng lại mua. Nhận thấy nhu cầu mua cao, chị dự định mở thêm ba, bốn điểm bán nữa tại những nơi đông người qua lại.

quán cà phê di động
Một xe bán cà phê di động giá rẻ đỗ sát lề đường chùa Láng, quận Đống Đa, thuận tiện để khách mua hàng, sáng 26/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

 

Được đánh giá là loại đồ uống ngon, tiện lợi nhưng không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng cà phê của những xe di động này bởi giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng cố định.

Giải đáp nghi ngại này, anh Tâm khẳng định toàn bộ cà phê của mình là "hàng tuyển chọn nhập từ ĐăkLăk", tự rang, xay và ủ trong ngày để đảm bảo chất lượng. "Giá rẻ do tôi không phải thuê mặt bằng, tốn các chi phí khác như điện nước, thuê nhân viên nên hạ giá để lấy số lượng bù lãi", anh nói.

Tuy nhiên, chủ một quán bán cà phê hơn 10 năm cho rằng nên thận trọng với đồ uống giá rẻ. Người này lấy ví dụ, hiện giá cà phê Robusta bán buôn trên thế giới khoảng 65.000-75.000 đồng một kg thô. Sau chế biến và đến tay người tiêu dùng giá dao động 210.000-300.000 đồng một kg rang, có thể pha chế tối đa 50 ly.

"Do đó, một cốc cà phê có thể uống được phải từ 18.000 đến 20.000 đồng mỗi ly bởi cộng thêm chi phí ống hút, cốc, túi dựng cho đến xăng xe di chuyển. Còn thấp hơn giá đó, chúng có thể là cà phê tẩm, được trộn các nguyên liệu khác để giảm giá thành và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe", người này nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết trên thị trường có nhiều loại cà phê khác nhau như rang mộc (100% cà phê); rang tẩm (hạt cà phê được tẩm thêm một số hương liệu, đường, caramel, chất tạo bọt, bơ) và rang trộn (trộn thêm một số hạt ngô, đậu nành, tạo độ ngậy béo).

Theo chuyên gia, việc rang trộn không mới và vẫn được nhiều người sử dụng. "Nếu các loại này được kết hợp đúng tỉ lệ, đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ không nguy hại đến sức khỏe của con người. Nhưng nếu sử dụng nguyên liệu bị mốc, hỏng kết hợp thêm hóa chất độc hại nhằm tạo mùi, vị, chắc chắn gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu", ông Thịnh nói.

Ngoài vấn đề vệ sinh thực phẩm, PGS.TS Đỗ Minh Cương cũng cảnh báo việc việc các xe cà phê động chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

"Vỉa hè là của người đi bộ. Nếu mô hình này bày bán tràn lan trên vỉa hè sẽ đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông, tai nạn và khiến đô thị trở nên nhếch nhác", ông Cương nói.

Trước đề xuất của chuyên gia cho rằng nên tập hợp các xe cà phê vào khu vực riêng, nhiều chủ quán phản đối bởi ảnh hưởng đến kinh doanh. "Xe cà phê di động có thể phát triển bởi tập trung ở nơi đông người qua lại, thuận tiện mang đi. Còn nếu quy hoạch vào một chỗ sẽ giống quán truyền thống, khách mua phải tìm chỗ đỗ xe, rất phiền phức và mất thời gian", một chủ quán nói.

Về phía người tiêu dùng, đa số cho rằng khi các dịch vụ đáp ứng được tính tiện dụng, rẻ, phù hợp với nhu cầu vẫn sẵn sàng sử dụng. "So với các quán phải mất thêm phí dịch vụ, tốn thời gian chờ đợi tôi chắc chắn lựa chọn cà phê bán dạo bởi vị khá ngon và hơn hết chúng phù hợp với điều kiện của bản thân", Lệ Thủy nói.

Theo VnExpress