Những loại quả người cao tuổi nên hạn chế sử dụng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một số loại quả không thích hợp với người cao tuổi có các cơ quan nội tạng đang dần suy yếu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái cây là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu được tiêu thụ ít, bao gồm kali, chất xơ, vitamin C và folate (axit folic). Chế độ ăn giàu kali có thể giúp duy trì huyết áp khỏe mạnh. Các nguồn trái cây cung cấp kali bao gồm chuối, mận khô và nước ép mận, đào và mơ khô, dưa hấu, dưa mật và nước cam.

Trái cây thường được đánh giá tốt cho sức khỏe tuy nhiên, với người nhiều tuổi, một số loại quả có thể khiến các cơ quan trong cơ thể tổn thương. Dưới đây là những trái cây yêu thích và đáng sợ với các cơ quan nội tạng người cao tuổi nên biết để có cách dung nạp an toàn và hiệu quả.

Trái tim: "Thích táo, ghét vải"

Các polyphenol và flavonoid trong táo tốt cho mạch máu, cải thiện tính thẩm thấu của mạch máu, giảm lipid và cholesterol trong máu. Bệnh nhân bị bệnh tim không được ăn vải vì loại quả này có tính nóng, có thể làm tình trạng nặng thêm.

người cao tuổi không nên ăn nhiều vải

Người cao tuổi không nên ăn nhiều quả vải. Ảnh minh họa 

 

Gan: "Sợ nhất sầu riêng"

Sầu riêng có hàm lượng đường rất cao. Sau khi ăn, đường được chuyển hóa thành chất béo, làm tăng triglycerid (một dạng chất béo), gây kháng insulin và có thể làm tổn thương gan.

Lá lách: "Yêu bưởi và sợ lê"

Bưởi có vị chua ngọt, tính mát, có công dụng điều khí, hóa đờm, bổ tỳ vị. Loại quả này có thể tiêu hóa thức ăn nhanh chóng, phát tán suy nhược và bổ khí. Lê có tính lạnh, ăn quá nhiều dễ làm tổn thương tỳ vị, dạ dày. Đặc biệt người già, trẻ em và những người tỳ vị hư yếu nên ăn ít.

Dạ dày: "Thích đu đủ, sợ nhất quả hồng"

Đu đủ có chứa một chất gọi là papain, có thể giúp cơ thể phân hủy protein trong thịt và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Vì vậy những ai tiêu hóa kém có thể ăn một ít đu đủ.

Quả hồng chứa nhiều tanin. Ăn hồng khi bụng đói, tanin kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày, sinh ra các khối bã, gây ra tình trạng táo bón, khó tiêu hoá, tắc ruột. Có trường hợp phải phẫu thuật để lấy các khối bã ra.

Thận: "Mê nho, sợ khế"

Nho có tính chất chua ngọt, tốt cho lá lách, phổi và thận. Trong khi đó, khế chứa oxalat có nguy cơ gây hại cho thận. Sau khi ăn khế, người bình thường có thể đào thải các yếu tố độc hại liên quan qua thận. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị nhiễm độc niệu hoặc thận kém sẽ khó loại chất độc ra ngoài dẫn đến giãn mao mạch cầu thận.