Hiện các bệnh về gan có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ mắc ở tuổi 30-40 nhiều hơn trước đây.
Sự nguy hiểm khi bị ung thư gan
Ung thư gan giai đoạn đầu là sự xuất hiện khối u ở gan, các tế bào ung thư chưa xâm lấn hạch bạch huyết và di căn cơ quan xa. Giai đoạn này thường không có triệu chứng, mà chỉ có dấu hiệu không đặc hiệu như mệt mỏi, đi tiểu vàng, tức nặng vùng gan... Triệu chứng bệnh không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên khó phát hiện.
Nếu không được điều trị kịp thời, ung thư tiến triển nặng hơn kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như ngứa, vàng da, nước tiểu sẫm thường xuyên, phân nhạt màu, xuất huyết bất thường ở lợi hay vết bầm tím dưới da, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, tần suất và mức độ đau hạ sườn phải ngày càng tăng, gan to, cổ trướng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng dù ung thư gan đã ở giai đoạn muộn.
Không ít người bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan dưới 40 tuổi. Nguyên nhân chính là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm môi trường sống, thức khuya, lười vận động... Lối sống thiếu khoa học trong thời gian dài làm gia tăng áp lực lên gan, khiến gan tổn thương và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Những người dễ có nguy cơ mắc ung thư gan
Người uống nhiều rượu nếu bị viêm gan virus dễ mắc các bệnh về gan, điển hình là gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là tình trạng chất béo tích tụ trong gan, gây suy giảm chức năng của cơ quan này. Tế bào gan thương tổn kéo dài dẫn đến viêm gan. Mức độ nặng hơn là xơ gan, sẹo ở gan. Người bị xơ gan có nguy cơ biến chứng hôn mê gan, suy gan, ung thư gan...
Béo phì gây tích lũy mỡ thừa trong cơ thể, lâu dần dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, ung thư. Ngoài ra, rối loạn bên trong cơ thể và tổn thương có tính di truyền cũng là các yếu tố gây ung thư gan, song chiếm tỷ lệ nhỏ.
Thực phẩm chế biến sẵn. Người trẻ thường thích và ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, khô bò. Đây là những món ăn trải qua nhiều công đoạn chế biến, nhiều dầu mỡ, muối, dễ gây quá tải cho gan do làm việc quá mức, là yếu tố tăng khả năng mắc các bệnh về gan.
Tiền sử gia đình có người mắc ung thư gan, nhiễm virus hoặc gặp các vấn đề như viêm gan, xơ gan, béo phì, tiểu đường...
Các dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của khối u trong bệnh ung thư gan
1. Vàng mắt, vàng da
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư Anh, khối u ung thư gan có thể gây ra tắc nghẽn ống mật. Ống mật là ống dẫn lưu chất lỏng gọi là billirubin - một sắc tố màu vàng được hình thành khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ - từ gan đến ruột non.
Sự tắc nghẽn khiến billirubin tích tụ trong máu, khiến da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng. Ngoài ra nó cũng khiến phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu hơn.
Vàng da cũng có thể do bệnh gan khác, sỏi mật, viêm tụy, bệnh về máu... nhưng tất cả các bệnh đó đều đủ trở thành lý do để bạn đi khám ngay lập tức.
2. Cổ trướng (sưng bụng)
Khi khối u do ung thư gan phát triển, nó có thể dẫn đến sưng tấy bên phải bụng. Dạ dày cũng có thể bị sưng lên do khối u làm tăng áp lực trong gan, khiến máu ứ lại trong tĩnh mạch, gây ra hiện tượng chất lỏng bị đẩy khỏi tĩnh mạch và tích tụ trong bụng, gọi là "cổ trướng".
"Cổ trướng" cũng có thể xảy ra khi lá gan bệnh không sản xuất đủ albumin, một protein quan trọng trong máu giúp ngăn chất lỏng rò rỉ khỏi máu, đi vào bụng và các mô khác.
3. Khối u bên phải bụng
Theo NHS, ung thư gan thường xuất hiện dưới dạng một khối u cứng, nằm bên phải và ngay dưới lồng ngực, có thể gây đau đớn. Thường nó chỉ được chú ý ở giai đoạn sau của căn bệnh.
Một điều chưa được giải thích rõ ràng là nó cũng có thể gây đau ở vai phải, có thể do sự kích thích các dây thần kinh dưới cơ hoành, vốn kết nối với thần kinh ở vai.
4. Ngứa da
Ngoài các vấn đề da liễu thông thường, có một nguyên nhân ít gặp có thể gây ra ngứa da là muối mật. Ống mật bị tắc nghẽn ở người ung thư gan cũng có thể gây tích tụ muốn mật trong da. Do đó, bạn cũng nên đi khám nếu gặp tình trạng ngứa dữ dội, kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
5. Ăn mất ngon, bụng dạ "lộn xộn"
Lá gan bệnh làm ảnh hưởng đến tiêu hóa và có thể khiến bạn ăn kém ngon, hoặc cũng có thể gặp các vấn đề giống người rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, khó tiêu, đau bụng...
6. Giảm cân nhanh
Giảm cân nhiều mà không có lý do rõ ràng có thể là dấu hiệu của ung thư gan. Ngoài nguyên nhân do chán ăn hoặc sưng bụng, bệnh nhân ung thư cũng có thể bị giảm cân nhanh do chứng suy nhược. Điều này cũng gặp trong nhiều bệnh ung thư khác.
Tầm soát ung thư gan ở người có nguy cơ cao giúp hạn chế biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong. Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh gan, nhất là ung thư gan, bác sĩ khuyến cáo cần xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học. Chế độ ăn uống nên đủ chất, hạn chế thức ăn nhanh giàu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản. Không hút thuốc lá và uống rượu bia. Tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng hợp lý và tiêm vaccine phòng viêm gan góp phần ngăn ngừa ung thư.
Theo Sức khỏe đời sống