Lễ Vu lan nhắc nhở tất cả mọi người, vì ai cũng có mẹ, cũng sinh ra từ mẹ, nên lòng biết ơn mẹ mình là tất yếu với tất cả chúng ta. Dù xuất xứ của lễ Vu lan là từ Trung Quốc, nhưng khi vào xã hội Việt Nam, lễ Vu lan đã mang dấu ấn Việt Nam, trở thành một đại lễ của tình yêu thương, của lòng biết ơn, lặng lẽ mà nhuần thấm, như những bông hồng cài áo mà chúng ta đã nhiều lần nghe qua bài hát Bông hồng cài áo - nhạc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lời thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Những "bông hồng cài áo" trong ngày lễ Vu lan không chỉ là lời nhắc nhở, nó còn là lời hứa thiêng liêng của tất cả những đứa con với mẹ mình. Đó là một trong những ngày lễ đẹp nhất trong năm, về mặt nào đó, nó cũng mang ý nghĩa như ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving) ở Mỹ.
Những ngôi chùa ở Việt Nam trong ngày lễ trọng này hoàn toàn không cúng dường, nhưng nhắc nhở chúng ta hướng tới những người mẹ Việt Nam còn sống trong vất vả nghèo túng, và đạo nghĩa của người Việt không chỉ là lo cho mẹ mình, mà còn lo cho những người mẹ nghèo khó cần được giúp đỡ ấy.
Như thế, ý nghĩa của ngày lễ Vu lan sẽ được mở rộng hơn rất nhiều, được nâng cao hơn bằng lòng nhân ái của người Việt, và tinh thần chia sẻ là cầu nối chúng ta sát lại với nhau.
Trong ngày này, chúng ta cùng nghe lại ca khúc Bông hồng cài áo, và lan tỏa ý nghĩa của ca khúc bằng những hoạt động thiện nguyện. Tất cả là vì những người mẹ của chúng ta.
Bông hồng cài áo
(Thơ Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ)
"Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi".