“Cuộc sống ở thủ đô vội vã, tấp nập, tôi muốn tạo ra một chỗ để mọi người tới được thư giãn, hít thở hương đồng gió nội”, chủ quán cà phê nói.
Quán cà phê được dựng bằng những chiếc chòi lợp lá cọ nằm trên ruộng lúa, rộng khoảng 1.800 m2 giữa cánh đồng của làng Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.
Chị Trâm Anh, chủ quán, cho biết ấn tượng với mô hình quán cà phê giữa cánh đồng lúa tại Hội An, Cần Thơ. Một lần đạp xe cùng bạn tới núi Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, bắt gặp hoàng hôn chiếu đỏ rực xuống cánh đồng lúa vàng, chị quyết định mở quán cà phê ở đây.
“Cuộc sống ở thủ đô vội vã, tấp nập, tôi muốn tạo ra một chỗ để mọi người tới được thư giãn, hít thở hương đồng gió nội”, chủ quán nói.
Từ đầu tháng 6 tới nay, mỗi ngày quán thu hút khoảng 100 khách, cuối tuần lên đến 400-500 khách ghé thưởng thức cà phê và ngắm cảnh đồng quê mùa gặt.
Mang theo họa cụ, Minh Anh, 25 tuổi, đi hơn 20 km từ quận Ba Đình đến quán ngồi vẽ giữa cánh đồng. Cô gái cho biết đây là lần đầu được ngửi mùi lúa chín, may mắn được chứng kiến cảnh những bác nông dân đang gặt.
“Tôi đã ngồi vẽ ở đây hơn 5 tiếng từ chiều đến khi hoàng hôn buông xuống, cảnh đẹp quá nên không muốn về”, Minh Anh nói.
Nguyễn Thành Trung (áo đen), 24 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội chọn ngồi ở góc ngắm trọn cánh đồng. Ghé quán vài lần, Trung nói cảm thấy được chữa lành khi ngồi tâm sự với bạn bè trong không gian bình yên này.
“Nhà cách quán cà phê hơn 10 km, quen thuộc với cảnh đồng quê nhưng chưa từng nghĩ sẽ có chỗ uống cà phê giữa ruộng thế này”, chàng trai 24 tuổi nói.
Bà Lê Thúy Oanh, ở quận Hà Đông, cùng hai cháu ghé quán cà phê ruộng vào dịp cuối tuần. Bà cho biết đây là nơi muốn cho các cháu trải nghiệm trong kì nghỉ hè, được hít thở không khí trong lành ở vùng quê.
Cháu gái của bà Oanh hào hứng khi lần đầu được xem thu hoạch lúa. “Mấy bà cháu cũng mua một ít bông lúa mang về để trang trí. Tới đây các cháu còn được trải nghiệm mò cua, bắt ốc, thả diều cùng dân làng”, bà nói.
Một nhóm khách đạp xe từ nội thành Hà Nội tới quán cà phê để nghỉ chân và chụp ảnh kỉ niệm. “Trước giờ ở Chương Mỹ chúng tôi chỉ đi khám phá núi Trầm, nay lại có nơi nghỉ mới, vừa có đồ uống vừa được ngắm cảnh đẹp”, một người trong nhóm chia sẻ.
Sau khi gặt, một phần lúa bán cho khách làm kỉ niệm, phần còn lại người dân mang về tuốt.
Theo chủ quán, với những khách bỏ lỡ mùa lúa chín, có thể ngắm vào mùa nước đổ, lúc gieo mạ, lúa non. “Không gian ban đêm chăng đèn lung linh, thỉnh thoảng có đàn hát cũng níu chân khách ở lại", bà chủ nói.
Theo VnExpress