Mẹo Xử Lý Khi Da Bị Cháy Nắng

Nhiều người đi nắng về bị cháy nắng, cùng da đỏ ứng và rát, đôi khi còn có nổi bọng nước. Vậy cách xử lý như thế nào?

Tôi ít khi mặc áo chống nắng, đi ngoài trời về vùng gáy, vai và bắp tay sờ vào nóng, đỏ ửng, rát, có vài chỗ nổi bọng nước nhỏ. Tôi nên làm gì để khắc phục tình trạng cháy nắng này?

2294-meo-xu-ly-khi-da-bi-chay-nang-1_66a50e8ebca5b.jpg cháy nắng

Mùa hè, nắng nóng và bức xạ cực tím (tia UV) tăng cao. Người làm việc ngoài nắng liên tục và không che chắn bảo vệ vùng da hở thì nguy cơ tổn thương da do nắng, nhất là bỏng nắng (cháy nắng), rất cao.

Cháy nắng là gì?

Bỏng nắng hay cháy nắng là tình trạng tổn thương của làn da khi tiếp xúc quá mức với tia UVA và UVB từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn ánh sáng khác như đèn cực tím, nằm giường tắm nâu da trong thời gian dài. Nếu tiếp xúc tia UV mạnh trong những giờ nắng nóng cao điểm (buổi trưa), da có thể bị cháy nắng trong 15-30 phút.

Các triệu chứng bỏng nắng xuất hiện trong vài giờ sau đó. Ở mức độ nhẹ, trung bình, da viêm đỏ, nổi ít mụn nước, cảm giác châm chích, nóng rát. Sau vài ngày da có thể giảm đỏ, mụn nước bắt đầu lành, da bong vảy và dần hồi phục. Cháy nắng mức độ nặng khiến da sưng tấy, nổi bóng nước, trợt da, nhiễm trùng, đau nhức nhiều. Nếu cháy nắng không được xử trí kịp thời để lại tăng sắc tố sau viêm kéo dài, sẹo vĩnh viễn, tăng nguy cơ ung thư da. Trường hợp nghiêm trọng hơn, khi thân nhiệt trên 40 độ C, có thể sốc nhiệt, sốt, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn điện giải, tụt huyết áp... cần phải cấp cứu ngay.

Nên xử lý vùng da bị cháy nắng như nào?

Việc cần làm ngay khi bị cháy nắng là ngừng tiếp xúc với ánh nắng và làm mát vùng da bị tổn thương bằng cách đắp khăn sạch thấm nước hoặc tắm với nước mát. Lưu ý không tắm ngay khi mới từ ngoài trời nắng vào, cơ thể vẫn đang đổ mồ hôi, nên chờ khoảng 15 phút rồi tắm, không ngâm mình trong nước quá lạnh.

2295-meo-xu-ly-khi-da-bi-chay-nang-2_66a50e94d6292.jpg

Không chà xát mạnh lên vùng da cháy nắng để tránh tổn thương nặng hơn. Sau khi làm mát da, nên thoa kem dưỡng ẩm, lotion hoặc gel từ lô hội hoặc có chứa hoạt chất trolamine hoặc hydrocortisone để làm dịu da. Làm mát sản phẩm trong tủ lạnh trước khi thoa giúp da dễ chịu hơn. Tránh thoa các sản phẩm chứa cồn hay mỡ trăn, dầu dừa lên vùng da bỏng nắng trong giai đoạn này. Không nên cạy, chọc vỡ các mụn nước có thể gây nhiễm trùng. Nên tránh dùng các sản phẩm hoặc phương pháp tẩy lột khi da đang cháy nắng.

Uống nhiều nước lọc, nước điện giải hoặc nước trái cây giúp giảm thân nhiệt và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nếu người bệnh đau nhiều và có dấu hiệu viêm da có thể uống thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Khi diện tích da cháy nắng trên 20%, phồng rộp nhiều hoặc kèm sốt, chóng mặt, tụt huyết áp, tê tay chân, co giật..., người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần hạn chế tiếp xúc thêm với ánh nắng mặt trời. Nếu cần ra ngoài nên che chắn kỹ bằng kem chống nắng, quần áo dài tay, mũ, kính râm.

Để bảo vệ da khi đi du lịch hoặc làm việc dưới trời nắng nóng, tốt nhất hạn chế ra nắng quá lâu trong khung giờ cao điểm UV 10h-16h, nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và PA từ 3+ trở lên. Thoa kem chống nắng lặp lại mỗi hai giờ để duy trì hiệu quả nếu hoạt động ngoài trời. Che chắn trên các vùng cơ thể bằng nón, khẩu trang, áo quần dài, mang găng tay và tất chân, uống nhiều nước.

Trường hợp chồng bạn có biểu hiện cấp tính (trong vài ngày) với biểu hiện đỏ da, nổi bóng nước và có cảm giác nóng rát ở vùng gáy, vai, cánh tay, có thể là biểu hiện của nhiều bệnh, trong đó hay gặp là bỏng nắng (cháy nắng). Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của viêm da tiếp xúc do hóa chất, thực vật, côn trùng đốt, nhiễm khuẩn hoặc zona thần kinh... Những thông tin mà bạn mô tả không đủ để chẩn đoán xác định đây là bệnh gì, chồng bạn nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu để được khám kỹ hơn.

 

Thep Vnexpress