Lý do hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài nhờ mẹ quản lý tiền

Vận động viên bóng chuyền của Vietinbank VC sinh ra và lớn lên trong gia đình làm kinh doanh ở Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Lý do hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài nhờ mẹ quản lý tiền
Vận động viên bóng chuyền Thu Hoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thu Hoài kể, từ khi cô còn nhỏ, gia đình đã có hiệu may nổi tiếng ở xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động, cây chuyền hai Thu Hoài kể: “Từ xưa tới nay, bố mẹ tôi luôn luôn làm việc rất chăm chỉ, chịu khó để chị em chúng tôi có cuộc sống tốt. Bố tôi học may ở TP.HCM, khi đi học nghề may, ông còn làm thêm nghề mộc để kiếm sống. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có hiệu may nổi tiếng huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Tôi vẫn nhớ, hiệu may rất đông khách, nhất là dịp đầu năm học mới, hoặc các dịp lễ Tết. Khách đông tới mức, bố mẹ tôi làm việc xuyên đêm xuyên ngày. Tôi nhớ cả bàn tay bố tôi khi đặt trên vải để đo, rất nghệ. Ông là thợ may giỏi nghề có tiếng”.

Bản thân Thu Hoài cũng yêu thích công việc may mặc, có thể sử dụng máy khâu, vắt sổ để may váy cho búp bê, và may cả quần cho em gái.

Sau này, khi quần áo may sẵn được ưa chuộng, bán đầy thị trường, bố tôi chuyển sang buôn ớt. Bố tôi thu mua ớt ở khắp các tỉnh thành rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi thu mua ớt, bố tôi còn nhận ra rằng, phải sử dụng đến rất nhiều rổ nhựa. Mua rổ nhựa kéo theo một khoản chi không đáng có. Bố đã quyết định cùng với anh em họ hàng mở xưởng sản xuất rổ nhựa. Sau đại dịch COVID-19, khi Trung Quốc dừng thu mua ớt, nhà tôi vẫn có khoản thu tốt từ việc sản xuất rổ nhựa. Bố tôi chịu khó như vậy đấy” - Thu Hoài kể về truyền thống kinh doanh và cách bố mẹ cô làm việc để nuôi các con ăn học.

Thừa nhận đã chịu ảnh hưởng lớn từ cách sống và làm việc của bố mẹ, Thu Hoài luôn chăm chỉ, chịu khó và nỗ lực.

Thời gian đầu khi về đầu quân cho đội bóng chuyền của Ngân hàng Công thương Vietinbank, Thu Hoài luôn mong ngóng đến ngày nhận lương để gửi tiền về cho mẹ.

Thuhoaibongchuyen.jpg
Thu Hoài được mệnh danh là hoa khôi bóng chuyền. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi chỉ giữ lại một khoản nhỏ đủ chi tiêu cá nhân, còn lại đều gửi về nhà nhờ mẹ giữ hộ. Hình mẫu người phụ nữ của mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Mẹ tôi là người rất chăm chỉ, tham công tiếc việc, nhưng rất tiết kiệm. Tôi gửi tiền về bao nhiêu mẹ sẽ tiết kiệm bấy nhiêu cho tôi, không bao giờ động đến. Kể cả khi tôi nói với mẹ, hãy cầm tiền đó để chi tiêu thêm trong nhà, mẹ cũng không đồng ý. Từ đó đến bây giờ, tôi vẫn nhờ mẹ giữ tiền hộ. Mẹ quản lý tài chính rất giỏi, tôi phải học tập khả năng quản lý tài chính từ mẹ, học tấm gương lao động từ bố tôi” - hoa khôi bóng chuyền nói.

Với Thu Hoài, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần lớn, là động lực để cô đi xa phấn đấu, là nơi bình yên để cô trở về.

Theo Thu Hoài, lễ Vu Lan không diễn ra trong một ngày hay một tháng, mà diễn ra mỗi ngày. Ngày nào con cái cũng cần phải báo hiếu, bày tỏ sự biết ơn với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Khi không có lịch thi đấu, Thu Hoài thu xếp thời gian về thăm nhà. Điều cô mong mỏi nhất mỗi khi trở về nhà là được nhìn thấy bố mẹ mạnh khỏe, bình an, sống anh nhiên, vui vẻ.

Điều Thu Hoài nặng lòng nhất là mong bố mẹ bớt làm việc, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.

Mới đây nhất là vào dịp Tết, mẹ tôi đi làm đến tận 29 Tết. Bà làm việc nhiều tới mức nhìn già hẳn đi, xơ xác, sức khỏe bị ảnh hưởng, mắt thâm quầng. Bà gần như chỉ ngủ vài tiếng, thậm chí còn không ngủ để làm việc. Tôi vừa thương, vừa giận dữ vì điều đó. Nên, dù đang vào những ngày nghỉ Tết, tôi vẫn nói rất căng thẳng với mẹ.

Mẹ con tôi đã có cuộc cãi vã rất căng, nhưng tôi nghĩ, nếu tôi không làm tới mức đó, mẹ sẽ vẫn tiếp tục với guồng quay công việc kinh khủng như vậy.

Sau cuộc cãi vã, mẹ đã giảm việc hơn, biết chăm chút cho sức khỏe hơn, dạo này nhìn trẻ hẳn ra. Tôi mừng vì điều đó” - Thu Hoài mong, từ đây, bố mẹ cô có thể yên tâm an hưởng tuổi già.

Thuhoaildo.jpg
Thu Hoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thu Hoài tên đầy đủ là Nguyễn Thu Hoài sinh năm 1998 hiện tại là cầu thủ bóng chuyền của đội bóng chuyền Vietinbank VC.