Lãi kép ngân hàng là gì?
Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi người vay trả cho việc sử dụng tiền vay từ một người khác. Cụ thể, lãi suất chính là phần trăm tiền gốc phải trả cho một số lượng nhất định của thời gian mỗi thời kỳ (thường tính theo năm).
Lãi kép ngân hàng (lãi kép) được hiểu là việc tái tích lũy số tiền lãi nhận được sau một kỳ tiết kiệm.
Sau một kỳ hạn gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền lãi. Nếu cộng số tiền lãi này vào số tiền gốc ban đầu để tiếp tục gửi tiết kiệm thì tiền lãi của kỳ hạn tiếp theo được gọi là lãi kép. Chu kỳ này lặp lại càng nhiều thì số tiền lãi càng cao.
Lãi suất kép có 2 yếu tố là thời gian và lãi suất.
Cách tính lãi kép đơn giản, chính xác
Khi gửi tiết kiệm theo hình thức lãi kép, tổng số tiền nhận được sẽ được tính theo công thức sau:
FV = PV x (1 + t)^n
Trong đó:
FV (Future Value – giá trị trong tương lai): số tiền nhận được trong tương lai.
PV (Present Value – giá trị trong hiện tại): số tiền gốc để đầu tư ban đầu.
t là lãi suất hằng năm.
n là số chu kỳ của lãi kép.
Chẳng hạn, nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm. Theo công thức tính lãi kép, số tiền nhận được sau 10 năm là:
100.000.000 x (1 + 6%)^10 = 179.084.770 (VND)
Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp lãi đơn thì sau 10 năm tổng số tiền khách hàng nhận được là:
(100.000.000 × 6% × 10) + 100.000.000 = 160.000.000 (VND)
Như vậy, có thể thấy nếu áp dụng lãi kép ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được nhiều tiền lãi hơn so với lãi đơn thông thường. Đặc biệt, thời gian gửi càng dài (chu kỳ gửi tiết kiệm càng lớn) thì tiền lợi nhuận mà khách hàng nhận được từ lãi kép sẽ càng cao.