Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 17/10 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,05 USD, lên mức 85,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 0,17 USD, lên mức 91,63 USD/thùng.
Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu giảm trên toàn thế giới, sự biến động của đồng USD và lượng tồn kho dầu diesel của Mỹ ở mức thấp trong khi mùa đông đang đến gần là những yếu tố chính tác động lên diễn biến trái chiều của 2 đầu giá dầu.
Giá dầu WTI trên thị trường thế giới vào sáng 17/10 (theo giờ Việt Nam)
Tổ chức 13 thành viên của các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã hạ mục tiêu sản xuất xuống 2 triệu thùng mỗi ngày khi họ gặp nhau vào ngày 5 tháng 10. Động thái này diễn ra bất chấp thị trường nhiên liệu vẫn thắt chặt, với lượng tồn kho ở các nền kinh tế lớn ở mức thấp hơn so với khi OPEC cắt giảm sản lượng trong quá khứ.
Bộ Năng lượng của Oman cho rằng các quyết định của OPEC+ đã dựa trên những cân nhắc kinh tế thuần túy, thực tế giữa cung và cầu trên thị trường.
Còn Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Ả Rập (OAPEC) cho biết, quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu của OPEC+ là đúng đắn và được đưa ra vào đúng thời điểm. Quyết định này đã tính đến sự không chắc chắn xung quanh hoạt động của nền kinh tế toàn cầu và phù hợp với cách tiếp cận thành công của OPEC+ trong việc chủ động thực hiện các bước chủ động để tránh bất kỳ sự mất cân bằng nào trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là về cung và cầu.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, đồng thời nhấn mạnh lạm phát vẫn là một vấn đề tiếp diễn.
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới vào sáng 17/10 (theo giờ Việt Nam)
Theo một báo cáo của Commerzbank, nguồn cung thiếu hụt thậm chí còn có thể kéo sang năm tới vì việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ được cho là sẽ duy trì đến cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cho rằng lập luận quan trọng nhất ủng hộ giá dầu tiếp tục tăng cao là thực tế rằng OPEC+ đã phát đi tín hiệu sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn bất kỳ sự sụt giảm giá rõ rệt nào. Thậm chí, nhóm này còn nhận định Saudi Arabia có vẻ coi liên minh với Nga trong bối cảnh này quan trọng hơn là thiện chí của Mỹ.
Tuần trước, OPEC đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay từ 460.000 thùng/ngày đến 2,64 triệu thùng/ngày với lý do hồi sinh các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Trung Quốc và lạm phát cao.
Nhà điều hành đường ống Ba Lan PERN cho biết rằng ngày 15/10, việc bơm dầu thô trong đường ống Druzhba bị hư hỏng đã được khôi phục.
Giá xăng dầu hôm nay 17/10: Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, dầu WTI còn 85,61 USD/thùng
Vụ rò rỉ được phát hiện vào cuối ngày 11/10 và PERN cho biết vào ngày hôm sau rằng không có dấu hiệu nào cho thấy sự can thiệp của bên thứ ba gây ra thiệt hại. Vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm châu Âu đang cảnh giác cao độ về an ninh năng lượng vụ rò rỉ tại Nord Stream 1 và 2.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 17/10 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.292 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.007 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.187 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.820 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.094 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 400 đồng/lít, dầu diesel 0 đồng/lít, dầu hỏa 0 đồng/lít và dầu mazut 708 đồng/kg. Đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu khác.
Giá các mặt hàng xăng dầu trong nước được áp dụng từ 15h chiều ngày 11/10 đến phiên điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.