Giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước

Chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 cho thấy giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, liền sau là TP HCM, theo Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê vừa công bố SCOLI năm 2023. Đây là thước đo phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành, 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ hàng năm. Xét theo tỉnh thành, Thủ đô Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính 100%.

Theo công bố, chỉ số SCOLI của TP HCM bằng 98,44% so với Hà Nội do một số nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn, như may mặc, mũ nón, giày dép xấp xỉ 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.

Tổng cục Thống kê lý giải ngoài nguồn cung hàng hóa dồi dào, TP HCM đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa nên giá tiêu dùng hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn Hà Nội. Song thành phố có một số nhóm hàng giá bình quân cao hơn Thủ đô, như giáo dục bằng 116,8%; đồ uống và thuốc lá bằng 114,5%; hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,5%.

Hà Nội
Một khu chợ dân sinh ở Thanh Xuân (Hà Nội), tháng 3/2023. Ảnh: Ngọc Thành

 

Quảng Ninh xếp thứ ba với chỉ số bằng 97,9% so với Hà Nội.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm giá bình quân thấp hơn, gồm: Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch; bưu chính viễn thông; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Năm nhóm hàng cao hơn Thủ đô gồm: Thuốc, dịch vụ y tế; nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; đồ uống, thuốc lá; giáo dục và hàng hóa và dịch vụ khác.

Chi phí sinh hoạt đắt thứ ba cả nước do Quảng Ninh là trung tâm du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế phát triển sôi động khiến giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.

Hải Phòng giữ vị trí thứ tư với chỉ số hơn 96% so với Hà Nội. Thành phố cảng có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả thành phần kinh tế. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Thủ đô, như giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng ăn, dịch vụ ăn uống; thuốc, dịch vụ y tế và một số nhóm lại có mức giá cao hơn, như bưu chính viễn thông; thiết bị và đồ dùng gia đình.

Bình Dương xếp thứ năm với chỉ số bằng 94,2% so với Thủ đô, tăng mức đắt đỏ 3 bậc so với năm 2022. Hầu hết nhóm hàng của Bình Dương thấp hơn Hà Nội, song nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cao hơn do tập trung nhiều khu công nghiệp, đông lao động làm việc.

Năm địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Bến Tre bằng 85,9%; Nam Định 86,3%, Quảng Trị 86,6%; Sóc Trăng 87,8% và Gia Lai bằng 87,9% so với Hà Nội. Nguyên nhân là mặt hàng giá dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà cho thuê, giao thông, dịch vụ giáo dục, giải trí của nhóm này thấp.

Bến Tre giữ mức chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước với giá bình quân các nhóm hàng dao động 72-101% so với Thủ đô. Tỉnh này có mạng lưới giao thông đường thủy, chợ nổi, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cùng với phát triển nông nghiệp, chăn nuôi để đáp ứng mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Hà Nội

Năm qua, 32 tỉnh thành giảm mức độ đắt đỏ, ngược lại 28 địa phương tăng và 3 tỉnh không biến động so với năm 2022. Lai Châu thay đổi lớn nhất, giảm mức đắt đỏ xuống 15 bậc. Thành phố trực thuộc trung ương có mức chi phí sinh hoạt cao hơn tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở, giải trí và du lịch.

Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có mức chi phí sinh hoạt đắt nhất, các vị trí sau lần lượt là trung du và miền núi phía Bắc; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục Thống kê đánh giá năm 2023 kinh tế trong nước vẫn chịu nhiều tác động của thế giới, tổng cầu sụt giảm, thời tiết cực đoan. Trong nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quản lý, điều hành giá, giúp kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%. Hàng hóa tiêu dùng dồi dào nên giá cả tại các địa phương không biến động nhiều.

Được công bố lần đầu năm 2015, SCOLI có ý nghĩa trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo, trợ cấp tiền lương, là cơ sở tính toán Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Doanh nghiệp có thể dùng chỉ số này để đánh giá tính cạnh tranh liên quan giá, thị phần, chi phí sản phẩm...

Theo VnExpress