Reuters đưa tin, thống kê gần đây của công ty tình báo dữ liệu ICIS cho thấy, nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho châu Âu lần đầu tiên vượt quá đường ống dẫn khí đốt và LNG của Nga.
Theo đó, LNG của Mỹ cho EU và Anh ở mức 5,3 tỷ mét khối (bcm) trong tháng 9, trong khi tổng nguồn cung của Nga ở mức 3,7 bcm, với đường ống dẫn khí là 2,2 bcm, thấp nhất được ghi nhận.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Mỹ đang bán khí đốt với giá cao hơn 3 hoặc thậm chí 4 lần so với khí đốt Nga, đồng thời cho biết thêm rằng châu Âu đang làm cho nền kinh tế của họ kém cạnh tranh hơn khi phải trả số tiền lớn như vậy cho các nhà cung cấp Mỹ.
Giá khí đốt ở châu Âu tăng đầu năm nay, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Giá mặt hàng năng lượng này tăng lên mức kỷ lục sau khi châu Âu áp đặt loạt lệnh trừng phạt với Moskva và bắt đầu chiến dịch giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga, tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt LNG của Mỹ.
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong vài tháng qua, để đáp trả lệnh trừng phạt từ các nước này. Khí đốt Nga từng đáp ứng khoảng 45% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Sau sự cố liên quan đến đường ống Nord Stream vào tháng trước, khí đốt của Nga hiện được chuyển đến châu Âu bằng đường trung chuyển duy nhất còn lại là qua Ukraine.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuần trước cảnh báo hoạt động công nghiệp ở châu Âu có thể giảm đáng kể nếu không có biện pháp giảm giá năng lượng. Trong khi đó, Mỹ cũng thay thế Nga trở thành bên cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU, dù giá khí đốt của Mỹ đắt gấp 10 lần so với Nga.
Ở một diễn biến khác, giá LNG giao ngay tại châu Á sụt giảm do lượng tồn kho tốt nhưng tình trạng rò rỉ đường ống dẫn dầu ảnh hưởng đến xuất khẩu LNG ở Malaysia làm dấy lên lo ngại rằng người mua có thể cần tìm kiếm hàng hóa thay thế trong bối cảnh cạnh tranh với châu Âu.
Theo bà Ryhana Rasidi, Nhà Phân tích khí đốt và LNG tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, giá ở châu Á tiếp tục có xu hướng thấp hơn với sự hỗ trợ của thời tiết ôn hòa và nhu cầu suy yếu trước mùa Đông.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, đại diện thương hiệu City Petro cho hay, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng.
Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.