Giá cà phê trong nước hôm nay 8/11 ở các tỉnh Tây Nguyên đi ngang, đang được thu mua với giá từ 40.700 – 41.300 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai đứng ở mức 41.100 đồng/kg tại huyện Chư Prông; tại thành phố Pleiku và huyện Ia Grai giá là 41.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức 41.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê hôm nay vẫn được thu mua ở mức 41.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê Robusta tiếp tục bị kéo xuống quanh vùng 1.850 USD/tấn, trong khi Arabica tiếp đà giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp đà giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 1/2023 giảm 17 USD, còn 1.852 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 17 USD, xuống 1.833 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Cùng tình trạng, giá cà phê Arabica trên sàn New York vẫn trong tình trạng sụt giảm liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 12/2022 giảm thêm 5,80 cent, xuống 169,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm thêm 5,90 cent, còn 165,75 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Theo chuyên gia, giá cà phê trong tuần này sẽ tiếp tục giảm nhẹ và ít có khả năng tăng dựa theo biến động của thị trường.
Tính đến ngày 31/10, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.430 tấn, tức tăng 1,61 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 90.230 tấn (tương đương 1.503.833 bao, bao 60 kg).
Về thị trường trong nước, bất chấp lạm phát, khó khăn trong thương mại, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Thế giới đang thiếu hụt nguồn cung, trong khi mùa vụ thu hoạch cà phê Việt Nam đang tới gần với sản lượng dự kiến tăng khá, cùng với sự nắm tốt cơ hội từ thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng, đạt gần 490.700 tấn với giá trị 1,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 27% về lượng và trên 54% về giá trị. Bên cạnh EU, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Nga tăng 17,3%, Anh tăng 57,9%, Ấn Độ tăng 116% và Mexico tăng đột biến gấp 52 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý, Anh đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 5 châu Âu, sau Đức, Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng mạnh từ 16,33% trong 6 tháng năm 2021 lên 29,92% trong 6 tháng năm 2022.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới...
Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên đã chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê 2022 - 2023. Những người nông dân đang có một niên vụ thuận lợi, cà phê chín sớm hơn, năng suất ổn định hơn và kỳ vọng sẽ được giá hơn so với mùa vụ trước.
Dự báo những tháng cuối năm, thị trường cà phê trên thế giới đang thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta đang ngày càng tăng. Do đó, người trồng cà phê tại Tây Nguyên rất kỳ vọng vào một mùa vụ cà phê được mùa, được giá để bù lại chi phí sản xuất.