Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 dao động ở mức 47.700 - 48.300 đồng/kg, giảm thêm 200 đồng/kg so với hôm qua (1/9).
Cụ thể các tỉnh Tây Nguyên, ở phiên giao dịch gần nhất giá cà phê ở tỉnh Đắk Lắk 48.300 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông giá cà phê 48.200 đồng/kg; cà phê tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá 47.700 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 giảm thêm 200 đồng/kg. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp sau khi vượt mốc 50.000 đồng/kg vào ngày 26/8. |
Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê đều ghi nhận sụt giảm liên tiếp phiên thứ 4.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London sụt giảm liên tiếp phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 10 USD, xuống 2.240 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm thêm 9 USD, còn 2.229 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức thấp.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn giao dịch New York có cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 0,45 cent, xuống 234,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm thêm 0,65 cent, còn 227,95 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Theo chuyên gia, giá cà phê kỳ hạn sụt giảm liên tiếp do lo ngại lãi suất cơ bản USD sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng thêm 0,75 lên phạm vi 2,25 đến 2,5% thay vì 0,5% như đã dự đoán trước đó nhằm nỗ lực đưa lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Thông tin thêm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7% so với cùng kỳ, đạt 1,2 triệu tấn, tương đương với 20 triệu bao (loại 60kg). Doanh thu xuất khẩu cà phê trong giai đoạn này đã tăng 39,6%, lên 2,8 tỷ USD. Với đà tăng như hiện nay, mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD năm nay đã đạt được sớm. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD trong năm 2022. |
Cục Xúc tiến thương mại trong thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đưa cà phê Việt tiến sâu vào thị trường châu Phi. Với mặt hàng này, châu Phi có nhu cầu lớn, hàng năm, thị trường này dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính.
Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam cũng được quan tâm tại khu vực này. Tuy nhiên, để xuất khẩu cà phê sang châu Phi, các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm. Bởi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết quốc gia châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở châu Âu, châu Mỹ…
Đồng thời, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Cùng với việc chú trong chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.
Riêng với thị trường Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực mang lại nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường này. Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.
Theo Công Thương