Giá cà phê hôm nay 14/8/2022: Tăng 4.000 đồng/kg trong tuần

Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê trong nước liên tục đi lên. Các tỉnh thành ghi nhận mức tăng mạnh 4.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Giá cà phê trong nước

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 49.000 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 48.500 đồng/kg.

Tương tự, sau biến động, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch cà phê với chung mức 48.900 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 14/8/2022: Tăng 4.000 đồng/kg trong tuần
Giá cà phê hôm nay 14/8/2022: Tăng 4.000 đồng/kg trong tuần

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 tăng 36 USD/tấn ở mức 2.252 USD/tấn, giao tháng 11/2022 tăng 38 USD/tấn ở mức 2.261 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 2,65 cent/lb, ở mức 226,6 cent/lb, giao tháng 12/2022 tăng 2,85 cent/lb, ở mức 222,4 cent/lb.

Kết thúc tuần này, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 tăng 209 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 17,15 cent/lb; thị trường trong nước thêm 4.000 đồng/kg trong tuần. Hiện Robusta lên mức cao nhất 7 tháng qua, trong khi Arabica ở mức đỉnh trong vòng 1,5 tháng gần đây.

Cập nhật thông tin cà phê thế giới

Các nông hộ trồng cà phê tại khu vực Samanga và Muriganzara ở Thung lũng Honde (Manicaland, Zimbabwe) đang “đứng ngồi không yên” trước tác động tiêu cực của điều kiện thời tiết đến quá trình sản xuất.

Bà Elizabeth Gulugulu, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Thanh niên châu Phi về Biến đổi Khí hậu, cho biết, biến đổi khí hậu đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp không chỉ ở riêng Zimbabwe mà trên toàn khu vực.

Bà nói: “Chúng ta phải tiếp tục chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nếu không có biện pháp nào trong vòng 5 đến 10 năm tới, tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sâu bệnh và nhiều dịch bệnh khác sẽ được đặt ra trước mắt”.

Hiện tại, lượng mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến chất lượng cây cà phê và năng suất tăng trưởng. Chính vì vậy, bà Elizabeth Gulugulu cho rằng, cần có chính sách hướng dẫn nông dân về nông nghiệp thông minh và cách thích ứng với khí hậu.

Hầu hết các hỗ trợ cần thiết trong lĩnh vực này sẽ là hỗ trợ tài chính để thực hiện các chính sách và tạo ra các cộng đồng có khả năng phục hồi.

Hơn nữa, chính phủ có thể thực hiện nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông và các cộng đồng dễ bị tổn thương, đảm bảo họ được tiếp cận với công nghệ phù hợp, hạt giống chịu hạn và thiết bị tích trữ nước.

Trong khi nông dân ở Samanga phàn nàn về chi phí đầu vào cao và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, họ cũng khen ngợi Nespresso và TechnoServe vì đã hồi sinh ngành cà phê trong khu vực.

Bằng cách đóng vai trò là người mua cho nông dân địa phương, Nespresso đã giúp ổn định thị trường đồng thời cung cấp tài chính cho nhân viên của TechnoServe làm việc thực địa, đào tạo nông dân và cung cấp chuyên môn kỹ thuật về các thực hành được khuyến nghị.

TechnoServe đang triển khai chương trình Nespresso Zimbabwe Reviving Origins nhằm mục đích hồi sinh ngành cà phê thông qua cải thiện sản lượng và chất lượng theo hướng bền vững với môi trường và tăng thu nhập cho nông dân.

Theo kế hoạch, sáng kiến này sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất cà phê quy mô nhỏ ở 4 quận ở Manicaland, gồm Chipinge, Chimananimani, Honde Valley và Vumba, The Herald đưa tin.

Theo Thương hiệu & Sản phẩm