Cuộc gọi giả danh công an
Bộ Công an cho biết, liên tiếp nhận được đơn thư của người dân tố giác các đối tượng giả danh công an gọi điện thoại đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, mặc dù đã đưa ra nhiều khuyến cáo và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã có nhiều tin, bài tuyên truyền phòng ngừa với loại tội phạm này nhưng một số người vẫn "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo, mất hàng tỷ đồng.
Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của loại tội phạm này là sử dụng phần mềm công nghệ cao, ẩn danh số điện thoại tương tự số điện thoại của cơ quan công an đã được niêm yết công khai, thông báo bị hại liên quan đến một vụ án hoặc một vụ việc công an đang điều tra.
Các đối tượng cung cấp những thông tin phù hợp với nhân thân tài sản của người bị hại và thực hiện đe dọa, thậm chí dàn dựng, kết nối cho bị hại nhìn thấy, nói chuyện qua điện thoại với người được cho là công an để bị hại tin tưởng. Sau đó, các đối tượng phạm tội yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định, đồng thời bắt bị hại giữ bí mật sự việc để phục vụ công tác điều tra.
Do đó, khi thấy bất cứ cuộc gọi nào tự xưng là công an điều tra vụ án, bạn cần đến ngay trụ sở cơ quan công an gần nhất để trình báo. Ngoài ra, bạn không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng.
Đồng thời bạn không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuộc gọi từ người chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn
Khi một người lạ đột nhiên gọi điện cho bạn, nói rằng họ chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn. Khi bạn kiểm trai số tài khoản hoặc tin nhắn từ ngân hàng báo bạn có một khoản tiền thừa, lúc này bên kia yêu cầu chuyển tiền trả lại cho họ ngay lập tức. Nếu nghĩ là thật, bạn sẽ chuyển tiền cho bên kia. Một lúc sau, một người khác lại yêu cầu chuyển tiền cho họ và lúc này bạn mới biết bạn đã chuyển khoản cho kẻ lừa đảo.
Hoặc trong trường hợp khác, khoảng 1 tháng sau, bạn sẽ nhận được nhiều công ty cho vay gọi cho bạn, bởi vì số tiền đó hoàn toàn không phải do chuyển nhầm mà là bên kia đã sử dụng thông tin cá nhân của bạn để giúp bạn đăng ký khoản vay.
Khi bạn đã bị lừa và phải trả lại tiền từ công ty cho vay, vì vậy khi có người yêu cầu chuyển tiền bạn phải xác nhận rõ ràng, không được tự chuyển tiền một cách mù quáng.
Cuộc gọi từ người bán hàng trực tuyến giả
Nếu mua sắm trực tuyến, có người giả làm người bán và gọi điện, nói rằng có vấn đề với một sản phẩm nào đó mà chúng ta mua vào thời điểm này không thể được vận chuyển, hoặc vì lý do nào đó cần chuyển tiền.
Họ có thể gửi cho bạn một liên kết, một khi chúng ta vô tình nhấp vào liên kết này, rất có thể thông tin trong điện thoại di động của chúng ta sẽ bị đánh cắp. Nếu vô tình nhập mật khẩu tài khoản thẻ ngân hàng của chúng ta, có thể bạn sẽ bị lấy cắp tiền trong thẻ ngân hàng.
Cảnh giác với các cuộc gọi từ đầu số lạ
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dân khi nhận được cuộc gọi từ số lạ cần cảnh giác cao độ, không làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ những kẻ lạ mà phải có sự xác minh lại với các tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan...
Với các cuộc gọi từ số lạ, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng không nên gọi lại vì có thể dính bẫy lừa đảo của kẻ gian. Đơn cử như trường hợp lừa đảo khá phổ biến là nháy máy, nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản sẽ bị trừ những khoản tiền rất lớn. Do đó, chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Hãy cảnh giác khi bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ những các số hoặc đầu số dưới đây:
Đầu số: +84069, +375, +371, +381, +563, +370, +255, +252, +247, +231, +371, +224, +232,…
Hoặc số: 6781, 6768, 7775, 8781, 7777, 8700, 8125, 7769, 6716, 8791, 7786, 8774…
Năm 2022, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an từng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn một số đối tượng lợi dụng công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh để lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.
Theo cơ quan công an, rất nhiều người dân nhận được cuộc gọi từ các thuê bao có đầu số +870, +601, +084,... thông báo cho chủ phương tiện biết đã có hành vi vi phạm luật giao thông đường và hướng dẫn cách chuyển khoản để đóng tiền phạt.
Bản chất của thủ đoạn lừa đảo trên là các đối tượng tội phạm lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, mà sẽ có thời gian xử lý. Các đối tượng tội phạm lợi dụng vào khoảng thời gian mà lực lượng CSGT cần để hoàn tất việc thực hiện quy trình xử phạt nói trên, đã tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt.
Cần làm gì khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo?
Từ 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156. Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.
Nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.
Theo Phunutoday