Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản xin ý kiến 16 cơ quan, bộ ngành về phương án nghỉ Tết âm lịch 2025 trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Cụ thể, bộ đề xuất nghỉ Tết hai ngày trước và ba ngày sau Tết, từ 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng giêng Ất Tỵ, tức từ thứ bảy ngày 25-1 đến hết chủ nhật 2-2-2025.
Nếu phương án được thông qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày liên tiếp gồm 5 ngày nghỉ chính thức và 4 ngày nghỉ cuối tuần.
Còn dịp Quốc khánh năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án.
Phương án thứ nhất là nghỉ hai ngày gồm Quốc khánh 2-9 và một ngày liền kề trước. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động sẽ nghỉ từ thứ bảy 30-8-2025 đến hết thứ ba 2-9-2025. Như vậy, kỳ nghỉ sẽ dài bốn ngày gồm hai ngày nghỉ chính thức và hai ngày nghỉ hằng tuần.
Phương án thứ hai là nghỉ hai ngày gồm Quốc khánh 2-9 và một ngày liền kề sau. Công chức, lao động sẽ nghỉ hai ngày từ thứ ba 3-9-2025 đến hết thứ tư 4-9-2025. Như vậy, kỳ nghỉ sẽ dài hai ngày.
Cơ quan soạn thảo đề xuất phương án 1, tức nghỉ 4 ngày để kỳ lễ liên tục, kéo dài.
Việc này giúp người lao động có thời gian tái tạo sức, kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ luật Lao động 2019 quy định hằng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết âm lịch và ngày Quốc khánh.
Nếu ngày nghỉ chính thức trùng với ngày nghỉ hằng tuần sẽ áp dụng nguyên tắc liền kề hoặc hoán đổi để người dân có kỳ nghỉ kéo dài.
Tại Việt Nam, người lao động được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ Tết chính thức hưởng nguyên lương gồm: nghỉ Tết dương lịch (1 ngày), nghỉ Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch (1 ngày), Ngày Chiến thắng 30-4 (1 ngày), Quốc tế Lao động 1-5 (1 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.
Theo Tuổi trẻ Online