Bàn chải đánh răng
Theo một nghiên cứu tại trường đại học Manchester, Anh, trung bình một chiếc bàn chải đánh răng có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn, bao gồm cả tụ cầu khuẩn và E. coli.
Môi trường phòng tắm ẩm ướt, không thông thoáng nên vi khuẩn dễ sinh sôi. Đừng ngạc nhiên khi số lượng vi khuẩn trên bàn chải đánh răng còn nhiều hơn cả trên bồn cầu, thậm chí lên tới hàng chục triệu. Nên thay bàn chải đánh răng sau mỗi 6-8 tuần.
Nếu bạn nhận thấy chân bàn chải đánh răng của mình đổi màu, có mảng bám đen hoặc vàng ố, điều đó có nghĩa là có quá nhiều chất bẩn tích tụ và bạn nên vứt bỏ nó ngay lập tức.
Đầu vòi hoa sen
Vòi hoa sen là nơi sinh sống của vi khuẩn Malassezia stricta gây bệnh nhiễm trùng da đầu, cũng như vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Thậm chí, một loại vi khuẩn được tìm thấy trong vòi hoa sen nhà tắm gây ra bệnh viêm phổi khi hít, đó là vi khuẩn Legionella. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, cứ 10 người mắc bệnh trên thì có một người tử vong.
Lỗ thoát nước của vòi hoa sen trong phòng tắm có rất nhiều vi khuẩn ẩn náu, bụi bẩn rất dễ tích tụ. Vòi sen không sạch chứa nhiều vi khuẩn hơn nước xả bồn vệ sinh, thậm chí thấm vào da và tóc của cơ thể, trở thành vật truyền nhiễm vi khuẩn. Do đó, làm sạch đầu vòi hoa sen rất cần thiết.
Tay nắm cửa tủ lạnh
Theo báo cáo, trong tủ lạnh có chứa 11,4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm vuông, bẩn hơn nhà vệ sinh. Các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bao gồm Salmonella, Listeria, Escherichia coli, Staphylococcus aureus.
Mỗi ngày bạn đóng mở tủ lạnh rất nhiều lần. Theo nghiên cứu, có một lượng lớn vi khuẩn nguy hiểm như E. coli, Pseudomonas đang ẩn náu trên tay nắm cửa tủ lạnh. Vì vậy, tay nắm cửa tủ lạnh cần được vệ sinh thường xuyên để tránh sự phát triển của vi khuẩn.
Máy giặt
Máy giặt có môi trường ẩm thấp, là nơi vi khuẩn rất dễ sản sinh, đặc biệt nếu bạn chọn chế độ giặt thường thay vì nước nóng.
Nghiên cứu của tiến sĩ Ricarda M. Schmithausen, Đại học Bonn, Đức, cho thấy, nhiều vi khuẩn sống sót sau quá trình giặt. Vi khuẩn phát triển trong các gioăng cao su sau đó lây lan qua chu trình giặt xả. Các vi trùng như E. coli, salmonella và klebsiella oxytoca có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng da, co thắt ruột, nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu, dễ bị tổn thương
Do đó, nên làm sạch máy giặt định kỳ, để thiết bị nơi thoáng khí, sáng giúp giảm vi khuẩn tấn công.
Thớt là ổ vi khuẩn tiềm tàng
Tổng số vi khuẩn trên bề mặt thớt gỗ sử dụng trong hai tháng cao gấp 12 lần so với bồn cầu. Nghiên cứu cho thấy mặt thớt có nhiều vi khuẩn như salmonella, E. coli, độc tố nấm aflatoxin.
Nên sử dụng các loại thớt khác nhau cho thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín, đồng thời rửa sạch bằng nước rửa chén sau khi sử dụng. Bạn cũng có thể khử trùng chúng thường xuyên bằng cồn 75% hoặc thuốc tẩy 200 ppm.
Giẻ, khăn lau chùi trong nhà
Hàm lượng vi khuẩn trên giẻ cao tới 875 triệu con trên mỗi cm2. Các nghiên cứu chỉ ra, gần 90% khăn tắm bị nhiễm vi khuẩn Coliform. Loại vi khuẩn này tìm thấy trong cả hệ tiêu hóa hoặc phân của động vật và con người. Điều đáng lưu ý là có đến 14% số khăn có vi khuẩn E. coli là thủ phạm gây ra những căn bệnh về đường tiêu hóa nguy hiểm như tiêu chảy, mất nước dẫn đến suy thận và có thể tử vong.
Do đó, cần phải ngâm tất trong nước tẩy, nước sôi hoặc phơi dưới ánh nắng thường xuyên. Điều này sẽ khiến vi khuẩn không thể tồn tại. Nếu bạn thấy khăn có đốm mốc, vàng, tốt nhất là bỏ chúng đi, thay bằng khăn mới.
Các công tắc đèn
Mặc dù đây là vị trí khó ai nghĩ có nhiều vi khuẩn trú ngụ nhưng thực tế, thiết bị này mang nhiều vi khuẩn và không thật sự sạch sẽ. Công tắc điện mỗi lần tiếp xúc với ngón tay lại được bổ sung thêm 217 con vi khuẩn trên mỗi inch vuông và cứ thế tích luỹ dần. Đặc biệt công tắc điện trong phòng vệ sinh công cộng càng chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn hơn. Nên lưu ý lau chùi chúng mỗi ngày. Trước và sau khi bật công tắc bạn nên làm sạch tay.
Theo Vnexpress