Cơ Thể Bạn Đang Cảnh Báo Về Tình Trạng Thiếu Vi Chất

Một chế độ ăn thiếu sự phong phú về các loại rau củ quả về lâu dài có thể gây ra hiện tượng cơ thể bị "đói vi chất", với những biểu hiện như rụng tóc, móng dễ gãy, da bong tróc, cơ thể thường mệt mỏi, dễ mắc các bệnh.

Dấu hiệu thiếu vi chất

"Vi chất dinh dưỡng" hay "chất dinh dưỡng vi lượng" (micronutrients) là tên gọi chung cho những chất dinh dưỡng mà cơ thể cần hàng ngày với một số lượng rất ít, tính bằng miligram trở xuống. Có khoảng 14 loại vi khoáng và 13 loại vitamin được xếp vào nhóm chất dinh dưỡng này.

1767-co-the-dang-canh-bao-ve-tinh-trang-thieu-vi-chat_66117991ad404.png

Số lượng cần ít, nhưng vi chất đóng vai trò quan trọng trong vận hành các chức năng của cơ thể như đề kháng, chuyển hóa năng lượng, sức khỏe xương và nhiều chức năng khác.

Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng khi thiếu hụt vi chất, cơ thể lại không có những biểu hiện rõ ràng chuyên biệt giống như khi thiếu đường hay thiếu đạm, mà chỉ có một số biểu hiện như buồn ngủ, kém tập trung, da khô, móng yếu, cảm giác mệt mỏi, đau nhức mơ hồ trong xương khớp…

Khi đã có dấu hiệu rõ ràng như thiếu máu, teo cơ, loãng xương, suy giảm miễn dịch… thì tình trạng thiếu vi chất đã diễn ra trong một thời gian dài.

Giải pháp bổ sung vi chất từ vitamin tổng hợp

TS.BS. Đào Thị Yến Phi chia sẻ, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, gần đây được biết đến là "Bữa ăn cầu vồng"- với đầy đủ các nhóm thực phẩm nhiều màu sắc từ các loại trái cây, rau củ quả màu đỏ, cam, vàng, trắng, nâu, xanh lá, xanh dương và tím. "Bữa ăn cầu vồng" giúp hỗ trợ tốt cho việc kiểm soát cân nặng, đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và các hợp chất chống oxy hóa cho cơ thể.

Tuy nhiên, có được "bữa ăn cầu vồng" hàng ngày cũng không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là với gia đình ít người, những người bận rộn hoặc đang ăn kiêng.

Cũng theo TS.BS. Đào Thị Yến Phi, việc đảm bảo "Bữa ăn cầu vồng" đôi lúc là một thử thách đối với người dân thành thị hiện nay. Vì thế vitamin tổng hợp cũng có thể là một giải pháp hỗ trợ tiện lợi để có được khẩu phần dinh dưỡng khoa học và lành mạnh.

Cơ thể con người, tùy thuộc vào tình trạng sinh lý, hàng ngày cần khoảng 1 – 2mg sắt (thậm chí 3mg cho phụ nữ có thai). Nếu chỉ 5% lượng sắt trong thức ăn được hấp thu thì để có được 2mg sắt cho cơ thể, bữa ăn cần phải cung cấp 40mg sắt. Đó là điều không thể đáp ứng được ngay cả với bữa ăn tương đối đầy đủ. Điều đó giải thích ngay cả với các nước công nghiệp phát triển có bữa ăn tương đối đầy đủ như Thụy Điển, Pháp…tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chiếm khoảng 15 – 20%. Vì vậy trong điều kiện nước ta ăn uống đầy đủ vẫn phải uống viên sắt để phòng chống bệnh thiếu máu, đặc biệt ở phụ nữ có thai và trẻ em.

 

Theo Dân trí