Cô gái này tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ngày 25-28/6 về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với một nữ sinh khác. Sau thi, ngày 1/7 cô đón xe khách từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa.
Vài ngày sau nữ sinh ở chung phòng phát bệnh rồi tử vong, CDC tỉnh Nghệ An ghi nhận do bệnh bạch hầu, điều tra dịch tễ và thông báo CDC Bắc Giang về ca nghi nhiễm trên. Ngày 5/7, cô gái bị đau họng, biết tin bạn từng ở cùng phòng tử vong do bạch hầu nên ra tiệm thuốc mua kháng sinh uống.
Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm của cô gái xét nghiệm, bước đầu xác định dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị.
Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tuy nhiên hiện lực lượng chức năng chưa thống kê hết số người từng tiếp xúc bệnh nhân do phạm vi di chuyển rộng, đã qua nhiều ngày.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Tùy vị trí vi khuẩn gây bệnh có biểu hiện khác nhau, nhẹ nhất là bạch hầu mũi, nặng nhất là bạch hầu ở thanh quản. Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, trung bình 5-10% số ca.
Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng) do vi khuẩn gây ra.
Bạch hầu có thể lây lan mạnh qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch, được xếp vào nhóm nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong cao.
Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Không gian nhà ở, trường học, nơi công cộng cần được giữ gìn sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng.
Người nghi mắc bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán, điều trị hoặc cách ly khi cần thiết.
Các bác sĩ khuyên người dân tiêm vắc xin phòng bệnhbạch hầu. Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện tiêm miễn phí vắc xin này cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Phụ huynh nên cho con tiêm các mũi nhắc lại lúc trẻ 16-18 tháng tuổi, 4-7 tuổi, 9-15 tuổi vì khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm.
Trường hợp tiêm các mũi vắc xin bạch hầu phòng ngừa còn có phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh mãn tính…