Cảnh báo: Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastro Men chứa chất cấm

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastro Men có chứa chất cấm N-Desmethyl tadalafil.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, cơ quan này nhận được phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastro Men (số lô 010422, hạn sử dụng trong vòng 3 năm kể từ ngày sản xuất 12/4/2022). Theo đó, mẫu sản phẩm được lấy tại Công ty cổ phần phát triển công nghệ Bionex Medical - chi nhánh Hưng Yên (địa chỉ: đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) có chứa chất cấm N-Desmethyl tadalafil.

Hình ảnh sản phẩm Hàu sâm Fastro MEN chứa chất cấm N-Desmethyl tadalafil.

Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan.

Cũng theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm vi phạm có quy cách đóng gói hộp 10 hộp nhỏ x 6 viên. Công ty TNHH dược phẩm & dinh dưỡng quốc tế STARLIFE Việt Nam (địa chỉ 132-134 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Nhà phân phối ghi trên nhãn sản phẩm lưu hành là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu SAMITA (địa chỉ số 16 đường B22, Khu dân cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như trên. Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu được biết, Tadalafil là chất ức chế phosphodiesterase 5 phổ biến nhất dùng để điều trị rối loạn cương dương. Ngoài ra, tadalafil cũng được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u tuyến tiền liệt lành tính). Do làm giãn cơ trơn ở tuyến tiền liệt và bàng quang nên thuốc giúp làm giảm các triệu chứng tiểu khó, tiểu yếu và nhu cầu cần đi tiểu thường xuyên hoặc gấp gáp (bao gồm lúc nửa đêm). Tadalafil cũng có thể có trong một biệt dược khác để điều trị tăng huyết áp ở phổi.

Trong điều trị rối loạn cương, tadalafil là hoạt chất của thuốc cialis. Thuốc này đã được FDA chấp thuận kê đơn sử dụng để điều trị rối loạn chức năng cương dương. Liều lượng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe, đáp ứng đối với thuốc và các loại thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng. Thuốc sẽ được dùng một cách an toàn và hiệu quả khi người bệnh thực hiện chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng thuốc...

Theo các bác sĩ, khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh đều có nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Bất lợi xảy ra nhẹ là cảm giác nóng hay mẩn đỏ ở mặt, cổ, ngực, nghẹt mũi, đau đầu, vấn đề về trí nhớ, khó chịu ở dạ dày, đau lưng..., nặng hơn gây mất thị lực đột ngột, ù tai hoặc mất thính lực đột ngột, đau ngực hoặc cảm giác nặng nề, đau lan ra cánh tay hoặc vai, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác bị bệnh, nhịp tim không đều, sưng tay, mắt cá chân hoặc bàn chân, khó thở, thay đổi tầm nhìn, cảm giác sảng, ngất xỉu. Người bệnh cần đi cấp cứu ngay nếu có bất cứ dấu hiệu phản ứng dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng hoặc dấu hiệu dị ứng nặng như trên.

Chế tài xử phạt đối với hành vi kinh doanh thực phẩm có chất cấm.

Xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;

Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Xử lý hình sự

Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.

Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;..."

Theo đó, nếu hành vi sử dụng chất cấm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự.

Theo Vietq.vn