Chỉ còn vài hôm nữa là đến lễ hội Halloween, đây cũng là dịp để các bạn nhỏ hóa trang thành nhân vật mình yêu thích. Nhiều ông bố, bà mẹ không ngần ngại đầu tư những bộ trang phục để đáp ứng nhu cầu của con. Tuy nhiên, không phải khi đi chọn mua đồ hóa trang Halloween để ý tới vấn đề chất liệu, thành phần mà chỉ quan tâm đến kiểu dáng độc lạ, bắt mắt hay không mà thôi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu không thận trọng, người dùng, nhất là trẻ nhỏ có thể gặp phải những tác động xấu đến sức khỏe từ những đồ chơi, phụ kiện trong đêm hội hóa trang này.
Trên thị trường hiện nay đa dạng mẫu mã trang phục lễ hội halloween cho những khách hàng nhí
Thực tế, theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cứ đến dịp lễ hội Halloween, đơn vị này lại tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em vào viện khám do bị viêm da tiếp xúc với các loại mặt nạ, đồ chơi Halloween.
Theo BS CKI Lư Huỳnh Thanh Thảo, Khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các sản phẩm hóa trang Halloween có chứa nhiều chất bảo quản, nhiều chì, phẩm màu, thuốc nhuộm nên thường có độ bám, độ bền cao… Khi sử dụng lên da, nó gây bít lỗ chân lông, gây mụn, viêm da tiếp xúc dị ứng, phát ban, tổn thương da.
Trong khi đó, da trẻ em thường nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn, vì vậy, cần phải thận trọng lựa chọn sản phẩm, trang phục cho trẻ để tránh dị ứng có thể xảy ra.
Trong các sản phẩm mùa lễ hội Halloween, mối nguy hại từ bộ sản phẩm hóa trang Halloween đã từng được rất nhiều quốc gia cảnh báo. Bởi các sản phẩm trang điểm Halloween, nhất là mặt hàng trôi nổi, giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ chứa nhiều chất độc hại như chì, niken, crôm, coban gây nguy hiểm về sức khỏe cho người tiếp xúc.
Đáng chú ý, niken có trong đồ hóa trang Halloween là một loại hóa chất dễ gây kích ứng và dị ứng da nếu sử dụng trong thời gian dài, thậm chí còn tác động mãn tính đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Một mối nguy hại khác trong đồ chơi lễ hội Halloween đã được Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng Mỹ khuyến cáo là các nút quần áo và đồ trang trí đính kèm trên trang phục hóa trang có thể gây nhiễm độc chì cho trẻ em nếu chúng ngậm phải. Nhiễm độc chì có thể gây ra nôn mửa, hôn mê hoặc co giật. Tiếp xúc với ngay cả ở mức độ thấp chì có thể dẫn đến khả năng học tập và làm cho trẻ em giảm khả năng tập trung.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
Hạn chế mua đồ chơi lòe loẹt, nhiều chất bám dính
Trong các trang phục như thắt lưng, đũa phép, dây kéo, nút, khuyên tai hay thanh kiếm giả… một số nhà sản xuất thường sử dụng niken và coban để tạo điểm nhấn thu hút trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu sử dụng các sản phẩm chứa 2 hóa chất này sẽ gây tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng cho trẻ. Để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên lót 1 lớp vải giữa da và các phụ kiện trên hoặc loại bỏ chúng nếu có chọn lựa khác.
Chọn trang phục mềm, thấm hút mồ hôi
Trang phục hóa trang Halloween cho trẻ không nên chọn loại quá cứng, rườm rà, nhiều chi tiết nhỏ hoặc trang phục che kín hết mặt trẻ. Nên chọn loại có chất liệu coton mềm mại, thoáng mát, thấm hút tốt và tránh cọ xát nhiều làm tổn thương da nhạy cảm của trẻ.
Làm sạch mặt nạ trước khi đeo cho trẻ
Mặt nạ hóa trang chưa được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến sức khỏe người dùng. Đối với những bé có bệnh lý như hen suyễn, viêm da cơ địa cần tránh không đeo mặt nạ vì nó có thể làm bộc phát cơn hen suyễn.
Đối với những trẻ khác, nếu muốn đeo mặt nạ, trước khi đeo cần phải tẩy rửa mặt nạ sạch sẽ vì có thể những lớp hóa chất còn bám trên mặt nạ sẽ gây hại cho da.
Hạn chế trang điểm nhiều lên mặt trẻ
Theo các chuyên gia da liễu, da trẻ nhạy cảm, do đó, nên hạn chế bôi các sản phẩm hóa trang Halloween lên mặt trẻ.
Trong trường hợp có trang điểm, cần thử sản phẩm lên các vùng da nhỏ để xem phản ứng trước khi dùng toàn bộ mặt. Tránh sử dụng mỹ phẩm dạng bột vì dễ gây nguy cơ trẻ hít phải ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp của trẻ.
Nên sử dụng các chất trang điểm không có mùi thơm, không chất bảo quản…Tránh trang điểm xung quanh các vùng da nhạy cảm như mắt, môi. Sau hóa trang, cần tẩy trang bằng các sản phẩm dịu nhẹ phù hợp với da trẻ.
Quy định của pháp luật đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em
Theo Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 03:2019/BKHCN, đồ chơi trẻ em là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế hoặc nêu rõ để sử dụng cho trẻ nhỏ hơn 16 tuổi sử dụng khi chơi. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với mặt hàng sản xuất trong nước hoặc được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Đồ chơi trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2019/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em như yêu cầu an toàn về cơ lý, tính cháy, hóa học và an toàn điện đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện (kèm theo Danh mục đồ chơi trẻ em phải bảo đảm các yêu cầu của QCVN 03:2019/BKHCN).
Việc công bố đồ chơi trẻ em có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được thể hiện bằng dấu hợp quy (CR) do nhà sản xuất, nhập khẩu gắn trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa; trên nhãn hoặc trên bao bì hàng hóa đó ở vị trí dễ quan sát, không thể tẩy xóa.
Quy định việc ghi nhãn đối với đồ chơi trẻ em
Đồ chơi trẻ em khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, gồm các thông tin (bằng tiếng Việt):
Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ đầy đủ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa); Xuất xứ hàng hóa;
Các nội dung khác phải thể hiện trên nhãn hàng hóa như: Thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng; năm sản xuất.