Cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm gắn mác thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, đó là thực phẩm hữu cơ hay chỉ là thực phẩm sạch thì không phải ai cũng biết.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh những loại thực phẩm gắn mác là thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên có thể người tiêu dùng chưa biết nhiều cửa hàng bày bán không phải là thực phẩm hữu cơ mà chỉ là một loại thực phẩm sạch. Vậy thế nào là thực phẩm hữu cơ và thế nào là thực phẩm sạch?

Thực phẩm sạch

Báo VnExpress đưa tin, theo các chuyên gia, thực phẩm sạch là loại thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, có thể sử dụng hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ, chất bảo quản...) nhưng theo đúng quy trình và liều lượng. Sản phẩm ra thị trường có dư lượng hóa chất dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, chúng vẫn thuộc nhóm thực phẩm an toàn.

Cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch

 Thực phẩm hữu cơ ngày càng phổ biến tại thị trường Việt. Ảnh minh họa

Thực phẩm hữu cơ

Ở Việt Nam, khái niệm thực phẩm hữu cơ Organic không còn mới mẻ nhưng nó chưa được biết đến rộng rãi và mọi người cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của nó đối với đời sống và sức khỏe. Theo thông tin từ báo Vietnamnet, thực phẩm hữu cơ là thực phẩm bao gồm rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, thịt, các sản phẩm từ sữa, trứng, mật ong… Và thực phẩm được gọi là hữu cơ Organic là thực phẩm phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào.

Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông.

Có thể nhận thấy sự khác biệt giữa thịt hữu cơ và thịt sạch đó là thịt hữu cơ bắt buộc là thịt từ những động vật được nuôi trong điều kiện thức ăn tiêu chuẩn, hoàn toàn tự nhiên và hữu cơ. Trong khi đó, thịt sạch không bắt buộc là sản phẩm được nuôi lớn trong điều kiện hữu cơ mà có thể cho ăn bằng nhiều nguồn thức ăn khác nhau.

Theo quy định, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods” như sữa bột công thức Organic, bột dinh dưỡng cho bé Organic, thịt, trứng, rau và trái cây Organic.

Cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch

 Hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các tiêu chuẩn VietGAP và GlogalGAP. Ảnh minh họa

Chứng nhận này được gắn trên sản phẩm khi và chỉ khi sản phẩm đó: không chứa hormone, không chứa thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu và chất bảo quản. Tất cả các thực phẩm Organic đều chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối cùng.

Và những thực phẩm được gắn mác hữu cơ Organic phải được kiểm soát và kiểm nghiệm bởi các tổ chức có thẩm quyền và uy tín về lĩnh vực này.

Thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ cái gì tốt hơn?

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm hữu cơ tập trung nhiều dinh dưỡng hơn, nhưng các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ tính xác thực. Theo các chuyên gia, trên thực tế chất dinh dưỡng trong thực phẩm còn tùy thuộc vào nơi thực phẩm được thu hoạch và cách chúng được bảo quản và chế biến.