Bơ được ví như siêu thực phẩm đang được bán rẻ mạt ở vỉa hè.
Nhắc đến trai bơ nhiều người xếp vào loại vua của các loại quả. Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, bơ là một trong những "siêu thực phẩm" lành mạnh nhất. Ngoài hương vị thơm ngon và dễ thưởng thức, bơ còn chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, chất béo tốt, kali và vitamin K.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã xem xét mối quan hệ giữa việc ăn bơ và nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong thời gian dài. Nghiên cứu này chỉ ra rằng ăn bơ 2 lần mỗi tuần có thể mang lại những lợi ích đáng kể đối với sức khỏe tim mạch.
Bơ là một loại trái cây giàu chất dinh dưỡng có chứa chất béo lành mạnh, chất dinh dưỡng thực vật, chất xơ, kali, magie và folate. Loại trái cây này là một nguồn tuyệt vời của axit oleic, một axit béo omega-9 đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp và giảm cholesterol. Ngoài ra ăn bơ còn có rất nhiều lợi ích khác.
Quả bơ là một trong những "siêu thực phẩm" lành mạnh nhất
Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Đặc biệt, cây bơ được trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600 ha; trong đó trồng chuyên canh hơn 700ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm.
Rẻ hơn rau vẫn lăn lóc vỉa hè
Bơ phù hợp với đa dạng thổ nhưỡng và khí hậu do vậy được trồng rất phổ biến nhiều tỉnh thành cả nước. Hiện vùng trồng bơ ở Lâm Đồng, Đắk Lắk vào vụ thu hoạch rộ bơ 034. Thế nhưng, giá bơ rớt từng ngày, nay giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Các nhà vườn thông tin, 034 là giống bơ đặc sản có cơm vàng, dẻo, béo và ít xơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Khoảng 4 năm về trước, khi giống bơ này còn khan hiếm, giá thành loại trái cây này đạt từ 80.000-100.000 đồng/kg. Có những thời điểm giá loại bơ này lên tới 150.000 đồng/kg. Nhưng từ năm 2020 đến nay, bơ rớt giá, còn 8.000-15.000 đồng/kg.
Do xuất khẩu gặp khó nên bơ được bày bán la liệt ở vỉa hè Hà Nội.
Tại thủ đô Hà Nội, những ngày cuối năm, bơ được bày bán tràn ngập chợ, chất đống trên vỉa hè. Đáng nói, những loại trái cây này đang có giá vô cùng rẻ. Ví như, bơ 034, thời điểm đầu mùa giá lên tới 80.000-100.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000-25.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán chỉ 10.000 đồng/kg - mức thấp kỷ lục.
Xách trên tay hai túi bơ 034 để đi chia cho các hộ dân trong cùng tầng chung cư nhà mình, chị Lê Thị Thu ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) khoe: “Một yến bơ ngon, quả to mà giá chỉ 100.000 đồng, bằng tiền đúng 1kg năm trước tôi mua”.
Với gia đình chị Thu, bơ là loại trái cây vô cùng quen thuộc, bởi nó có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất tốt cho tim mạch, đôi mắt, ngăn ngừa ung thư, giảm đau xương khớp. Với bản thân chị, bơ còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
“Giá bơ và mít dịp này còn rẻ hơn cả giá rau muống ngoài chợ nhưng hàng vẫn có phần ế ẩm”. Chị Như cho hay, xăng tăng dẫn đến giá hàng hóa dịch vụ đua nhau tăng, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm nên trái cây đều ế hơn trước.
Hiện giá bơ chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg - mức thấp kỷ lục.
Chị Thu là đầu mối buôn bán chuyên đánh hàng theo mùa, hàng về đều đặn mỗi ngày 2-3 tấn trái cây. Ngày nào hàng về bán hết ngày đó, rất ít khi tồn sang hôm sau. Song, gần một tháng trở lại đây, khách mua giảm. Mít và bơ giá siêu rẻ nhưng mỗi ngày không bán nổi 1 tấn hàng.
“Cả ngày hôm nay chỉ bán được hơn 1 tạ bơ, trong khi trời nắng nóng bơ chín nhanh. Ngày mai mà không bán hết, bơ chín lại phải thanh lý cho hàng quán làm sinh tố hay kem bơ”, chị Bùi Thị Tâm bán bơ trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) chia sẻ.
Việc mở rộng diện tích bơ thiếu kiểm soát dẫn tới cung vượt cầu. Trong khi thị trường tiêu thụ bơ chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Hiện nay, việc xuất khẩu bơ sang Trung Quốc gặp khó khăn, việc tiêu thụ loại thực phẩm vàng này chỉ trông chờ vào thị trường trong nước dẫn đến ế ẩm.