Bắc Ninh không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã mà tinh tế làm say lòng khách thập phương. Bánh tẻ làng Chờ là một đặc sản như vậy. Chiếc bánh truyền thống góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng Kinh Bắc.
Bánh tẻ thì nhiều địa phương có như: bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội), bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên)…., tuy nhiên, bánh tẻ làng Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) lại "sở hữu" hương vị độc đáo, khác biệt.
Nguyên liệu để làm bánh tẻ không cầu kì, nhưng để làm ra chiếc bánh thơm ngon lại cần sự cầu kì, tinh tế.
Gạo tẻ được người làng Chờ lựa chọn để làm bánh phải là loại gạo vùng chiêm trũng, hạt dài, không dẻo dính. Sau khi vo, xát kỹ, gạo được mang đi ngâm chừng 5 tiếng đồng hồ rồi xay thành bột nước mịn. Xay càng mịn thì bánh càng ngon.
Bột nước lại tiếp tục được ngâm thêm 1-3 ngày, tùy thời tiết. Nước ngâm bột phải thay hàng ngày để bột không bị chua. Khi bột đạt yêu cầu là lúc người ta mang bột đi ráo.
Ráo bột tức là quấy bột trên bếp để bột cạn dần nước, dở sống dở chín. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, từ chỉnh lửa đến đánh bột sao cho thật mịn màng, cảm nhận độ sệt tiêu chuẩn của bột để làm ra chiếc bánh tẻ dai giòn, không khô, không nát.
Nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ, 3 phần mỡ, 7 phần nạc. Tỉ lệ này giúp nhân bánh không bị khô, đủ độ ngậy mà không bị ngấy. Hành khô phi thơm, trút thịt vào xào cùng mộc nhĩ đen giòn sựt, rắc hạt tiêu cay nồng, nêm nếm gia vị thật đậm đà.
Đặt chiếc lá dong xanh mướt đã rửa sạch, lau khô trên bàn tay, người thợ xúc thìa bột đã ráo vào lá, tiếp đó rải đều nhân. Mỗi chiếc bánh chỉ to chừng 2 ngón tay, dài hơn gang tay nên người thợ phải gói thật khéo sao cho bột phải bao kín nhân, nếu không, bánh sẽ nhanh thiu.
Nồi nước to đã sôi trên bếp, người thợ nhanh tay xếp từng cột bánh vào. Sau 25-30 phút là bánh chín, hương thơm lan tỏa vô cùng kích thích vị giác. Bóc lớp lá nóng hổi, bánh tẻ bóng bẩy, màu trắng của gạo pha lẫn màu lá dong xanh, chấm thêm chút mắm ngon cùng tiêu, ớt, cảm nhận hương vị đậm đà, hòa quyện tuyệt vời, giữa không gian yên bình của làng quê Kinh Bắc, thì người ta chỉ có thể thốt lên "Tuyệt phẩm"!
Thoăn thoắt gói bánh, bà Nguyễn Thị Đảm (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: “Bánh tẻ làng Chờ không biết có từ bao giờ. Gia đình tôi đã 4 đời làm bánh. Năm 2010, gia đình tôi vinh dự được giao làm gần 10 ngàn chiếc bánh để phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là niềm tự hào của không chỉ của gia đình mà còn là tự hào của thương hiệu bánh tẻ làng Chờ”.
Xưa kia, bánh tẻ làm ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương trong các dịp lễ, Tết. Ngày nay, bánh được làm quanh năm, thị trường tiêu thụ rộng rãi. Hiện cả làng Chờ có 36 hộ gia đình sản xuất bánh tẻ, sản xuất trung bình từ 2000 - 5000 chiếc/ ngày. Tấm bánh nhỏ bé trở thu nhập chính cho không ít hộ gia đình làng Chờ, giúp đời sống kinh tế thay đổi đáng kể. Bao người con làng Chờ đã ăn học thành tài nhờ chiếc bánh truyền thống quê hương.
Để bánh tẻ làng Chờ được ngày càng phát huy được giá trị, tăng sức tiêu thụ, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ sản xuất vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời vận động các hộ sản xuất đăng kí thương hiệu. Địa phương cũng tham gia chương trình OCOP, mỗi làng một sản phẩm, để tích cực quảng bá sản phẩm truyền thống.
Theo Thương hiệu & Pháp luật