Viên uống tố nữ Mộc Beauty quảng cáo sai công dụng, bán hàng trên website chưa đăng ký Bộ Công Thương

Mặc dù được cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng viên uống tố nữ Mộc Beauty lại quảng cáo sai công dụng như thuốc chữa bệnh và bán hàng trên địa chỉ “lậu” có nhằm lừa dối người tiêu dùng?

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm viên tố nữ Mộc Beauty do Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc (Địa chỉ: 09-LK1, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân, số 90, đường Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) phân phối độc quyền. Mặc dù vừa ra mắt nhưng sản phẩm này đang có dấu hiệu quảng cáo sai công dụng, bán sản phẩm trên trang website chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Tại page “Mộc Beauty”, sản phẩm này được quảng cáo công khai công dụng như thuốc chữa bệnh, điều trị hiệu quả bệnh sinh lý, trị nám, giảm cân...

2-39a686cb3313fc4da502.jpg
Sản phẩm Mộc Beauty quảng cáo sai công dụng, thực tế sản phẩm này không phải là thuốc điều trị nám, tàn nhang

Nội dung quảng cáo cho rằng khi làn da xuất hiện các nốt nám, tàn nhang sẽ khiến nhiều cô nàng đau đầu, gương mặt mệt mỏi, thiếu sức sống... sau đó, tổ chức kinh doanh khuyên sử dụng Mộc Beauty để “tút” lại làn da, giúp hỗ trợ làm đẹp da, loại bỏ các vết nám, tàn nhang từ sâu bên trong... với những công dụng này, sản phẩm này được ví như “nguyên tắc vàng trong làng trị nám”.

Ngoài ra sản phẩm này còn đang được loan tin có công dụng giảm mỡ vòng 2, săn chắc vòng 1, điều trị các triệu chứng trước và sau mãn kinh...

Không chỉ có dấu hiệu vi phạm quảng cáo trên facebook mà tại trang website https://dailammocgroup.vn/, chưa đăng ký với Bộ Công Thương nhưng đã đăng bán các sản phẩm viên uống tố nữ Mộc Beauty, TPBVSK Anpha BioFiber, Anphakids Growth, Anphakids-Gold, Nano Curcumin Formula... Việc bán hàng trên website khi chưa đăng ký với Bộ Công Thương khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của sản phẩm Mộc Beauty có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng không?

3-51dbc592114ade14875b.jpg
Rất nhiều sản phẩm được đăng bán trên trang website chưa đăng ký với Bộ Công Thương

Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ việc đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể được quy định tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định.

Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm".

Như vậy, trường hợp cá nhân, tổ chức không thông báo thiết lập website thương mại điện tử hoặc có thông báo nhưng chưa được xác nhận đăng ký mà vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh trên website thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng như trên.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.

Cần nói thêm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và dẹp loạn quảng cáo sai sự thật, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời buộc các đơn vị cải chính thông tin quảng cáo không phù hợp. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, đơn vị phân phối sản phẩm Mộc Beauty vẫn quảng cáo trên trang mạng xã hội với hình thức công khai hơn.

Để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính trong lĩnh vực kinh doanh, tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị Cục ATTP, Bộ Công Thương xác minh những dấu hiệu sai phạm của sản phẩm Mộc Beauty.

Theo Vietq.vn / NPV