Vẽ tranh bằng bút bi: Sáng tạo nghệ thuật mới trong hội họa

Không giữ và phát triển mình theo lối vẽ tranh truyền thống với trường phái màu nước, sơn dầu, sơn mài… như bao nghệ sĩ khác mà họa sĩ Lê Vinh lại quyết định theo lối vẽ tranh bằng bút bi - một chất liệu mới chưa có họa sĩ nào thử sức với mong muốn tạo được phong cách, sức hút riêng của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật.

Tìm lối đi riêng

Sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, ngay từ khi còn bé Lê Vinh đã có niềm đam mê với hội họa. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lê Vinh thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương). Học xong, anh trở về quê dạy học với mong muốn là truyền lửa đam mê hội họa cho những trẻ em nông thôn hiếu học.

Nhưng với mong muốn nâng cao tay nghề, và cũng muốn sáng tạo nên những tác phẩm theo ý thích bản thân, năm 2008 anh đã quyết định thi và theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi rời trường, anh đã bắt đầu theo đuổi đam mê hội họa của mình, nhưng đồng thời, vẫn tiếp tục theo nghề dạy học.

img4991-1716192145270441549409.jpg
Họa sĩ Lê Vinh (sinh năm 1979)

Không giữ và phát triển mình theo lối vẽ tranh truyền thống với trường phái màu nước, sơn dầu, sơn mài… như bao nghệ sĩ khác mà Lê Vinh lại quyết định theo lối vẽ tranh bằng bút bi – một chất liệu mới chưa có họa sĩ nào thử sức. Lê Vinh chia sẻ: "Khi còn đi học, lúc rảnh rỗi, tôi thường ký họa, có thể vẽ bất cứ ở đâu, cứ nhìn thấy cái gì thích là lại lấy bút giấy ra vẽ. Có khi quên không có bút chì thì tiện có bút bi cũng vẽ luôn. Vì thế, dần dần việc sử dụng bút bi để vẽ khiến tôi mê mẩn và tôi chợt nhận ra rằng màu mực bút bi có cái gì đó vừa thân thuộc, gần gũi vừa vô cùng cuốn hút, hấp dẫn.

Sau khi ra trường, với mong muốn có sự thành công nhất định trong nghề hội họa nên tôi nghĩ rằng mình cần phải lựa chọn lối đi mới khác với các họa sĩ khác để tạo được phong cách, sức hút riêng của cá nhân. Trong khi đó, chất liệu bút bi là một chất liệu mới mẻ, chưa ai theo đuổi nên tôi đã quyết định đi sâu vào khai phá tìm tòi chất liệu này".

img4965-1716192145466512113728.jpg
Vẽ bằng bút bi đòi hỏi độ chỉn chu, tập trung cao vì bút bi không thể tẩy xóa

Vì là một chất liệu mới, cũng như chưa một cơ sở đào tạo nào dạy vẽ tranh bằng bút bi nên trên hành trình sáng tạo nghệ thuật với chất liệu này, Lê Vinh đã gặp không ít khó khăn. "Bởi, tranh vẽ bằng bút bi không như vẽ bằng bút chì, mà nó đòi hỏi độ chỉn chu, tập trung cao vì bút bi không thể tẩy xóa. Nếu vẽ hỏng hoặc bị dính mực thì sẽ phải vẽ lại từ đầu. Họa sĩ cũng không thể đứng giá vẽ vì mực bút bi sẽ không thể chảy xuống ngòi mà buộc phải cúi nghiêng trên mặt phẳng khi vẽ...

Hơn nữa, màu bút bi cũng không đa dạng như màu bột, chủ yếu chỉ có đỏ, xanh, đen nên hạn chế về sắc độ. Vậy nên, khi mới bắt đầu vẽ, tôi chỉ sử dụng chủ yếu màu mực xanh, đến khi một học trò tôi từng dạy hồi cấp 2 (du học bên Nhật Bản) thấy được tranh của tôi rất sống động nên đã mua hơn 1.000 chiếc bút bi đủ màu sắc để tặng tôi thì tôi mới bắt đầu tìm hiểu sáng tạo ra cách vẽ, phối màu, tạo khối cho tác phẩm để cho ra những tác phẩm đầy đủ các gam màu rực rỡ" – Lê Vinh chia sẻ thêm.

Sáng tạo nghệ thuật mới

img3412-17161921549821274517257.jpg

Nhân vật chính trong tranh của anh chủ yếu là thiếu nữ, các em nhỏ vùng cao khoác trên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống

Nét đặc biệt giữa muôn vàn chất liệu hội họa, Lê Vinh chia sẻ: "Khi vẽ tranh bằng sơn dầu thì người họa sĩ sẽ vẽ tranh bằng cái phiêu, cái phiêu ở đây là sự phóng khoáng bút, có thể nhát bút to, có thể nhát bút nhỏ và khi vẽ thì rất là nhanh. Còn khi sử dụng bút bi để vẽ tranh thì lại khác, bút bi vốn có ngòi rất nhỏ nên để phủ mực kín cả một bức tranh kích thước 1,5m thì người họa sĩ mất rất nhiều công sức… Tuy nhiên, đó cũng là điểm đặc biệt khi vẽ tranh bằng bút bi bởi bút bi ngòi nhỏ, tôi có thể vẽ từng chi tiết nhỏ nhất, vẽ đa nét, qua đó, sẽ tạo thành một bức tranh sống động, có chiều sâu hơn. Hơn nữa, khi vẽ xong, dùng bông trắng chà lên trên bề mặt của tranh thì bút bi sẽ phai ra nhựa, loang trên bề mặt tranh tạo ra một hiệu ứng màu sắc đậm nhạt rất đẹp, cuốn hút người xem".

Đến nay, Lê Vinh đã có cho mình gần 300 bức họa vô cùng độc đáo, nhiều màu sắc và giàu cảm xúc. Mỗi bức tranh của anh khi hoàn thành đều là thành quả của sự miệt mài, của tình yêu quê hương, đất nước, vì vậy nhân vật chính trong tranh của anh chủ yếu là thiếu nữ, các em nhỏ vùng cao khoác trên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống.

anh-5-171619216493536824783.jpg

Tác phẩm Khu vườn vui nhộn của họa sĩ Lê Vinh

Lê Vinh cho biết: "Mỗi dân tộc như Mông, Dao Đỏ, Dao Khâu… mỗi nơi có phong tục tập quán riêng, thiết kế trang phục, đường nét hoa văn càng không giống nhau, nhưng có điểm chung là các cô gái đó đều xinh đẹp tràn đầy sức sống, hồn nhiên như núi rừng, nên tôi mong muốn thể hiện được sự đẹp đẽ đó trong tranh. Và thông qua các tác phẩm của mình, tôi hy vọng, sẽ góp phần quảng bá và truyền tải vẻ đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Tuy nhiên, để vẽ được chân dung các thiếu nữ dân tộc, tôi phải đi thực tế, đi trải nghiệm ở các bản làng vùng núi, vùng sâu, vùng xa, như: Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…tôi phải đến tận bản, vào gia đình của họ để tìm hiểu phong tục, tập quán và trang phục dân tộc, cũng như các họa tiết đặc trưng của từng nhóm các dân tộc khác nhau để hiểu về chúng thì mới có thể vẽ lại. Và càng đi, tôi càng thấy nhiều "khoảng trống" để sáng tạo nghệ thuật bởi có những hình ảnh, khoảnh khắc chỉ có bút bi mới làm sáng rõ để tạo sự hấp dẫn cho người xem".

anh-1-17161921651151368804023.jpg

Tác phẩm Giấc mơ trưa của họa sĩ Lê Vinh

Sau hơn 10 năm, với sự cần mẫn, miệt mài theo đuổi sáng tạo nghệ thuật với chất liệu bút bi, Lê Vinh cũng đã có những bước thành công nhất định trong giới hội họa. Đặc biệt, năm 2020, khi anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, các bức họa của anh đã để lại nhiều ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Qua đó, đã lan tỏa nghệ thuật mới này đến nhiều hơn với công chúng, được nhiều nhà sưu tầm tranh ưu ái, mến mộ và trả với giá đắt.

Qua đó, có thể thấy, bút bi xưa nay chỉ để viết nhưng giờ đây đã trở thành chất liệu phục vụ hội họa. Điều này cho thấy sự sáng tạo không ngừng của giới họa sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều họa sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp bằng bút bi như Lê Vinh, chỉ có một số các bạn trẻ vẽ theo phong trào với những bức họa cỡ nhỏ dùng để trang trí, làm quà chưa mang tính chuyên nghiệp cao.

Vì thế, Lê Vinh mong muốn, tranh vẽ bằng bút bi sẽ được công chúng đón nhận ngày càng nhiều hơn và bút bi sẽ là một chất liệu trở nên thông dụng trong hội họa. "Là một thầy giáo, trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng lan tỏa nhiều hơn niềm đam mê loại hình tranh vẽ bằng bút bi đến các bạn trẻ" - họa sĩ Lê Vinh bày tỏ./.