Chợ, siêu thị tung “chiêu” hút khách
“20 chục trứng vịt và chai nước ngọt hết tổng cộng 100.000 đồng. Tặng kèm gói kẹo sữa này về cho bé Bún ở nhà nhé”, bà Lê Thị Thúy, 69 tuổi, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nói với khách hàng. Chị Nguyễn Thị Năm, khách hàng quen của bà Thúy, cho hay, lần mua nào cũng thế, lúc thì được tặng gói kẹo nhỏ, có khi là trái cam… hoặc vài trái ớt. Trị giá hàng tặng không lớn nhưng khách cảm thấy vui.
Không riêng chị Năm, một số khách mua hàng tại chợ Bến Thành (quận 1); Hồ Thị Kỷ, Hòa Hưng (quận 10); Tân Chánh Hiệp (quận 12)… chia sẻ, sau dịch Covid-19, phong cách bán hàng của tiểu thương có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Đó cũng là một trong những “chiêu” để thu hút khách hàng, gia tăng mãi lực khi hiện nay người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Ở thời điểm hiện tại, sau một tháng diễn ra chương trình khuyến mãi tập trung (kết thúc đợt 1 ngày 15-7), nhiều siêu thị cho hay vẫn tiếp tục kéo dài các ưu đãi, hỗ trợ khách mua hàng, ở mức giảm giá từ 10%-50%, có nơi giảm tới 100%.
Thông tin từ Co.opmart, MM Mega Market, BigC & Go!, GigaMall…, nhiều chương trình khuyến mãi lớn được triển khai nối tiếp nhau đối với nhóm hàng rau củ quả, quần áo thời trang, thịt gia cầm, hải sản các loại. Đại diện các siêu thị này cho hay, mãi lực có cải thiện tốt hơn so với ngày bình thường, tăng khoảng 10%-15%.
Ngoài nhóm hàng đồ ăn, thức uống tại các chợ truyền thống, siêu thị, một số mặt hàng điện tử, điện máy, mỹ phẩm ở nhiều cửa hàng cũng có hàng loạt chính sách khuyến mãi, kéo khách đến dịp hè này.
Sẻ chia lợi nhuận, ổn định thị trường
Ông Lâm Tuấn Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, HTX cố gắng cân đối chi tiêu, không tăng giá bán, nỗ lực hỗ trợ khách mua hàng. Do vậy, HTX vẫn có doanh thu ổn định. Để làm được được điều này, HTX đã ký hợp đồng mua phân bón sớm vào mùa thấp điểm để có giá tốt, bù lỗ cước vận chuyển thời điểm giá xăng dầu tăng cao để có thêm các đơn hàng, đồng thời chủ động tăng sản xuất để cung ứng các đơn hàng lớn. Đặc biệt, HTX còn thay đổi công nghệ nhằm tiết kiệm phân bón, nước, điện nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm.
Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (thương hiệu trứng Vfood), chia sẻ, mặc dù ở thời điểm hiện tại giá trứng bình ổn đang lỗ 10%-15% so với trứng ngoài thị trường, nhưng công ty vẫn tìm đủ cách để có mức giá ổn định, cùng ngành công thương điều tiết giá trứng phù hợp. Ước tính, trung bình mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường TPHCM khoảng 400.000 trứng. Hiện giá trứng gia cầm bình ổn đang thấp hơn so với thị trường, nên có tình trạng thương lái gom hàng bình ổn để bán kiếm lời. Theo lý thuyết, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp đủ sản lượng cam kết với ngành công thương, nhưng công ty không làm vậy. Có những lúc mặt hàng này thiếu hụt, doanh nghiệp đã phải mua trứng bên ngoài (chấp nhận bù lỗ) để có giá bình ổn nhằm hỗ trợ người mua.
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho hay, sở không có chính sách riêng về giá cả mà chỉ đảm bảo cung cầu hàng hóa, vận động doanh nghiệp bình ổn thị trường, áp dụng mức chiết khấu ưu đãi cho khách hàng. Song song đó, sở cũng khuyến khích doanh nghiệp tối giản chi phí nhằm giảm áp lực tăng giá bán, bán đúng giá sản phẩm đã đăng ký với chương trình bình ổn thị trường. Mặc dù áp lực vật giá “leo thang” khá lớn, nhưng nhờ có sự chung tay điều tiết giá cả, hỗ trợ người mua của nhiều doanh nghiệp, đã giúp hạ nhiệt phần nào tình trạng giá cả.
Giảm giá vé xe từ 10%-15%
Đại diện Bến xe miền Tây cho biết, sau khi giá xăng dầu giảm, Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco Buslines đã thông tin với bến xe sẽ giảm 10%-15% giá vé so với hiện tại. Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp vận tải chạy hợp đồng, các doanh nghiệp đã giảm giá 10%; vì chạy hợp đồng, chủ yếu theo thỏa thuận giữa hành khách và doanh nghiệp nên dễ dàng linh động điều chỉnh giá cả.
Thành lập tổ kiểm tra giá cả, dịch vụ
Tại các tỉnh ĐBSCL, các địa bàn thuộc vùng nông thôn dường như ít bị tác động giá cả do lương thực, thực phẩm đều gần nơi sản xuất, ít chịu phí vận chuyển. Tại chợ Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), giá thịt, cá, rau củ quả tăng rất ít hoặc không tăng.
Giá một suất ăn sáng với hủ tiếu, bánh canh, cơm tấm ở TP Long Xuyên (An Giang); TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng chưa thấy tăng, chỉ dao động quanh mức khoảng 30.000-35.000 đồng. Bà Sáu Thu, bán cơm tấm, hủ tiếu ở TP Long Xuyên, cho hay, rất khó để không tăng giá, nhưng tăng thì khách thắc mắc. Tăng vài ngàn đồng cũng không giải quyết được gì, thôi thà mình cố chịu đựng chờ Chính phủ có biện pháp giảm giá xăng dầu. “Mình mua đồ về nấu bán đã sát giá lắm rồi, dân bỏ mối cũng than trời, nhưng thôi, ai nấy đều bảo nhau ráng gồng mình chờ xăng dầu hạ nhiệt. Làm ngành dịch vụ là phải chịu đựng rủi ro vậy đó”, bà Thu tâm sự.
Tại các địa điểm du lịch ở TP Hà Tiên, TP Phú Quốc (Kiên Giang), chính quyền đã nhanh nhạy thành lập các tổ kiểm tra giá cả thị trường, dịch vụ. Hàng ngày, thành viên các tổ đều rảo khắp các chợ, gian hàng để khảo sát. Hay khi có du khách, người dân phản ánh giá cả bất hợp lý sẽ đến tìm hiểu nguyên nhân ngay. Nhờ vậy, mà dù giá xăng dầu có tăng, nhưng nhìn chung thị trường dịch vụ, hàng hóa vẫn còn trong khả năng chịu đựng được.
Nguồn: SGGP
https://www.sggp.org.vn/xoay-tro-thoi-bao-gia-tiet-giam-chi-phi-tro-gia-nguoi-mua-828028.html