Năm 2023, “bơi ngược dòng” thành công
“Bơi ngược dòng” có lẽ là cụm từ miêu tả rõ nét nhất Việt Nam trong phần lớn thời gian năm 2023. Trong khi nhiều nước khác trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất, Việt Nam bắt đầu hạ lãi suất từ quý II/2023. Chính phủ luôn nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu trong khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trưởng trọng điểm của Việt nam đang chứng lại.
Bất chấp những thách thức đầy nghịch lý trên, VN-Index vẫn ghi nhận mức hiệu suất 12,2% trong năm 2023. Đà vận động tích cực của chỉ số VN-Index cao hơn đáng kể so với các thị trường lân cận như ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Nếu chỉ dùng lại ở tháng 9/2023, VN-Index đã tăng 18,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cần phải nhìn nhận lại, tháng 9 là thời điểm những yếu tố bất lợi bên ngoài gia tăng, điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải “bơi” chậm lại. Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến kéo theo chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đồng USD) chạm mốc 107 trong tháng 10, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 5%. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ và Việt Nam ngày càng nới rộng khiến đồng VND mất giá 4,9% trong 6 tháng từ tháng 4/2023 đến tháng 10/2023. Lạm phát ở Việt Nam cũng bắt đầu tăng. Điều này khiến việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023 là điều không thể, dù trước đó đã có một số tổ chức nghiên cứu lớn kỳ vọng về điều này.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam gần như đi ngang và NHNN cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp tục bổ sung dự trữ ngoại hối. Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục bị thắt chặt. Xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD một lần nữa tương quan nghịch biến với hệ số P/E của Việt Nam và vì vậy, VN-Index đã giảm mạnh 16% trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10, trước khi phục hồi một phần vào 2 tháng cuối năm 2023.
Đối với một số nhà đầu tư, hiệu suất 12,2% của thị trường chứng khoán năm 2023 có thể chưa đủ để bù đắp cho những biến động hay thậm chí mất mát trong giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV/2022. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi khi mức lãi suất đã hạ xuống gần như là thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi về cơ bản môi trường đầu tư năm 2024.
Năm 2024, khi gió đã thuận chiều
Dự báo, năm 2024, hoạt động thương mại phục hồi. Một số sản phẩm xuất khẩu như Thép và Đồ gỗ đã phục hồi trong quý IV/2023 và đà phục hồi có thể được duy trì trong các quý tiếp theo. Dệt may và Thủy sản có thể phục hồi muộn hơn từ khoảng giữa năm 2024. Ngành Cảng biển và Logistics cũng có thể được hưởng lợi khi sản lượng hàng hóa tăng lên.
Bên cạnh đó, tiêu dùng cũng được cải thiện, khi Chính phủ sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ giữa năm 2024 (dự kiến chi năm 2024 là 3,1 tỷ USD). Đồng thời, Chính phủ sẽ duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (trị giá khoảng 1 tỷ USD). Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hưởng lợi sớm nhất.
Khu vực đầu tư tư nhân sẽ có nhiều triển vọng năm nay khi doanh nghiệp triển khai các dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp dứng nhu cầu trong nước tăng lên và sự phục hồi của xuất khẩu. Ngoài ra, lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu nới lỏng vào nửa cuối năm 2024 và thị trường bất động sản phục hồi có thể thúc đẩy một làn sóng đầu tư tư nhân mới. Sự phục hồi của đầu tư tư nhân sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.
Theo VNDirect, ngành bán dẫn toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2024 và bước vào giai đoạn tăng trưởng dài hạn mới. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hoa chuỗi cung cứng toàn cầu. Các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp bán dẫn như đào tạo nhân lực công nghệ, thiết kế chip và hóa chất sẽ có nhiều dư địa phát triển trong dài hạn.
Một số cổ phiếu “sáng giá” theo khuyến nghị của VNDirect dựa trên những yếu tố thuận chiều trên là: GMD, HAH, VNM, QNS, KDH, VHM, MBB, CTG, VIB, FPT, DGC…