Sở hữu loạt khu đất vàng, vì sao Hapro lại kinh doanh “bết bát” sau khi về tay BRG?

Tình hình kinh doanh của Hapro chưa có chuyển biến thực sự tích cực, thậm chí còn có phần “bết bát” từ sau khi về tay BRG. Thay đổi lớn nhất đến từ việc bớt đi nhiều công ty con và bắt đầu lỗ lũy kế.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro – mã HTM) ghi nhận doanh thu thuần giảm 35,5% so với cùng kỳ, xuống 107 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Hapro lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 500 triệu đồng. Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm nặng đến 69 tỷ đồng quý đầu năm trong khi cùng kỳ con số này cũng âm hơn 16 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh chính của tổng công ty và các công ty thành viên. Hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do bất ổn chính trị và dịch bệnh, hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ và hạ tầng thương mại vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.

Khoản lỗ quý đầu năm đã “ngốn” sạch của để dành của Hapro khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển từ dương hơn 6 tỷ đồng cuối năm 2021 sang âm gần 900 triệu đồng tại thời điểm 31/3/2022. Thực tế, tình hình kinh doanh của Hapro đã có dấu hiệu “bết bát” từ năm 2020 khi doanh nghiệp này liên tiếp báo lỗ 2 năm gần nhất.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của Hapro đạt 618,4 tỷ đồng, giảm 34,7% so với năm trước. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh đến 18,5 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ. Dù có khoản thu nhập khác tăng đột biến gấp 3,5 lần lên 20 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh cụ thể, Hapro vẫn lỗ ròng 1,8 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 2,8 tỷ đồng.

Hapro lỗ

Hapro là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thương mại và phân phối ở Hà Nội với vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính/chi nhánh tại số 38-40 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi IPO và lên sàn UpCOM năm 2018, Hapro nổi tiếng sở hữu quỹ đất vào loại “khủng” với 183 cơ sở nhà đất tại Hà Nội.

Theo bản cáo bạch IPO thì sau khi cổ phần hóa, nhà nước sẽ thu hồi 63 cơ sở nhà đất và giao cho Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà đất, trong đó có không ít địa chỉ được liệt vào dạng “đất vàng”. Ngoài nắm giữ trực tiếp, Hapro còn quản lý và sử dụng nhiều lô đất thông qua hệ thống dày đặc các công ty con.

Đơn cử như CTCP Thủy Tạ đang quản lý 8 bất động sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lê Thái Tổ như nhà hàng Thủy Tạ, Bốn Mùa... CTCP Thủy Tạ còn sở hữu thương hiệu kem Thủy Tạ. Một công ty con khác là CTCP Thương mại – Đầu tư Long Biên quản lý 11 cơ sở nhà đất, chuỗi siêu thị Hapromart diện tích từ 800 đến 2.700 m2 tại các quận Long Biên và Gia Lâm.

Liên tục thoái vốn các công ty con sau khi về tay BRG

Bước ngoặt với Hapro đến tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tiên sau khi cổ phần hóa năm 2018 khi bà Nguyễn Thị Nga (“madam” Nga”) được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro nhiệm kỳ 2018-2023. Vinamco - 1 công ty con của tập đoàn BRG do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT cũng được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Hapro và chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm quyền chi phối 65% vốn.

Một trong những vấn đề nóng hổi được cổ đông đề cập là việc sử dụng các khu đất vàng tại Hà Nội mà Hapro đang sở hữu ra sao. Nhiều cổ đông đề xuất chuyển đổi phương thức sử dụng đất sang đầu tư bất động sản. Thế nhưng, “madam” Nga lại khẳng định Hapro sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi, phát triển các sản phẩm và tập trung vào xuất khẩu sau cổ phần hóa. “Việc chuyển đổi hình thức sử dụng đất không đơn giản. Nếu như muốn mua lại đất thuê lâu dài thì công ty phải nộp tiền theo giá thị trường.”

Sau khi về tay BRG, chỉ riêng trong năm 2019, Hapro đã thoái vốn tại một loạt đơn vị thành viên. Đơn cử như ngày 11/3/2019, công ty công bố thông tin thoái 420.000 cổ phần, tương đương 21% tổng vốn tại CTCP Gốm Chu Đậu cho BRG với giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần.

Ngày 3/5/2019, Hapro tiếp tục công bố việc thoái 3,4 triệu cổ phiếu tại Hafasco. Hiện, doanh nghiệp đang sở hữu 4,9 triệu cổ phiếu Hafasco, tỷ lệ 49,03%. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 11.500 đồng/cổ phiếu.

Ngày 29/5/2019, Hapro muốn thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hơn 1,9 triệu cổ phiếu sở hữu tại CTCP Đầu tư thương mại Hapro Đà Nẵng, tỷ lệ 99,99% vốn. Bên nhận chuyển nhượng dự kiến là Công ty TNHH Thương mại đầu tư Hòa Lợi và Công ty TNHH Phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng. Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 19,9 tỷ đồng, tương đương mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 30/10/2019, HĐQT Hapro đã thông qua Nghị quyết chuyển nhượng hết hơn 7,2 triệu cổ phần Công ty Tràng Thi, chiếm tỷ lệ 53,33% vốn điều lệ. Đơn giá chuyển nhượng dự kiến không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phần.

Ngày 28/11/2019, Nghị quyết của Hapro thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn góp là 735.000 cổ phần của doanh nghiệp tại CTCP siêu thị VHSC (Việt Nam). Giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá cổ phần.

Ngày 25/12/2019, Hapro tiếp tục công bố Nghị quyết số 658/2019/CBTT-HAPRO thông qua chuyển nhượng cổ phần của tại 3 doanh nghiệp bao gồm hơn 1,5 triệu cổ phần tại CTCP Thương mại và Dịch vụ Chợ Bưởi; gần 4,6 triệu cổ phiếu tại CTCP Thực phẩm Hà Nội và 637.500 cổ phần CTCP Thủy Tạ.

Sau đó vào ngày 31/12/2019, Hapro đã bán thành công gần 4,6 triệu cổ phiếu HAF của CTCP Thực phẩm Hà Nội. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu xuống gần 2,9 triệu cổ phiếu HAF (tương ứng 20% vốn HAF).

Đến ngày 11/2/2020, Hapro đã bất ngờ công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga, với tỷ lệ 100%. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga không còn là Thành viên HĐQT và Chủ tịch Hapro từ ngày 11/2/2020. Dù vậy, Vinamco vẫn là công ty mẹ của doanh nghiệp này.

Cùng ngày, Hapro đã công bố Nghị quyết về việc thoái hết hơn 4 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP Liên hiệp Xuất khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), tương đương tỷ lệ 20,15% vốn điều lệ. Giá chuyển nhượng dự kiến là 11.000 đồng/cổ phần.

Có thể thấy, tình hình kinh doanh của Hapro chưa có chuyển biến thực sự tích cực, thậm chí còn có phần “bết bát” từ sau khi về tay BRG. Thay đổi lớn nhất đến từ việc bớt đi nhiều công ty con và bắt đầu lỗ lũy kế.