Rằm tháng 7: Dự báo hoa cúc dồi dào, trái cây nhiều loại có thể bị thiếu hụt

Nhiều nhà vườn Lâm Đồng đã chuẩn bị trồng hoa phục vụ dịp rằm tháng 7 nên nguồn cung mặt hàng này được dự báo sẽ dồi dào, giá tăng không quá đột biến. Ngược lại, do nguồn cung giảm, giá nhiều loại trái cây đang có xu hướng tăng.
Rằm tháng 7: Dự báo hoa cúc dồi dào, trái cây nhiều loại có thể bị thiếu hụt

Bước vào tháng 7 âm lịch, giá hoa cúc vẫn đang tương đối ổn định - Ảnh: N.TRÍ

Do chưa vào đúng dịp rằm tháng bảy (lễ Vu lan) nên nhu cầu đối với các loại hoa cúng như cúc, lay ơn... chưa tăng, giá bán vì thế tương đối ổn định.

Nhà vườn Đà Lạt sẽ tăng mạnh nguồn cung hoa

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-8, ông Lý Phú Quí - giám đốc chợ hoa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM), cho biết hiện lượng hoa về chợ tương đối ổn định, trong đó các loại hoa được dùng nhiều trong tháng 7 âm lịch như cúc, ly, lay ơn... về chợ trung bình khoảng 4 xe/ngày - tương đương 250 thùng (mỗi thùng 50kg); giá bán các mặt hàng này tăng nhẹ so với trước đó với cúc thường 8.000 - 10.000 đồng/bó, cúc lưới 20.000 - 25.000 đồng/bó, lay ơn 20.000 đồng/bó, hoa ly 70.000 - 100.000 đồng/bó 5 cành.

Theo ông Quí, khoảng từ mùng 6 tháng 7 âm lịch, lượng hoa về chợ sẽ tăng dần vì nhu cầu của người dân nhiều và đạt mức cao điểm vào dịp rằm.

"Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung được dự báo cũng tăng mạnh, đặc biệt là nguồn hoa cúc từ Lâm Đồng về TP.HCM do năm nay nhiều nhà vườn ưu tiên trồng để bán ra vào thời điểm này. Do đó, giá bán các loại hoa cúng dịp này khả năng không tăng quá đột biến", ông Quí dự báo.

Theo đại diện chợ hoa Đầm Sen, dịp cao điểm rằm tháng 7, lượng hoa cúc, ly, lay ơn nhập chợ mỗi ngày có thể đạt khoảng 20-25 xe (gấp 4-5 lần ngày thường); giá bán có thể tăng từ 70-100%. Mức tăng giá này tương đương năm ngoái, và được coi là không quá mạnh nếu so với nhu cầu vào các dịp cao điểm hằng năm.

Nhiều tiểu thương cho biết khoảng 60-70% nguồn hoa ở TP.HCM là được nhập từ Lâm Đồng, một số ít như huệ trắng, vạn thọ được nhập từ miền Tây Nam Bộ.

"Năm ngoái giá hoa cúng dịp rằm tăng mạnh nên nhà vườn đổ xô trồng để cắt bán dịp này. Tuy nhiên, nếu thời tiết miền Nam mưa nhiều vào cao điểm có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ khi lượng người mua sụt giảm", bà Ngô Hương Thảo, thương nhân tại chợ hoa Đầm Sen, tỏ ra lo lắng.

Lo giá trái cây "nhảy múa" vì thiếu nguồn cung

Trong khi đó, giá một số mặt hàng trái cây được bán ra tại các chợ lẻ ở TP.HCM đang có xu hướng tăng dần như thanh long 25.000 - 45.000 đồng/kg, bưởi 35.000 - 60.000 đồng/kg, dưa hấu 15.000 - 20.000 đồng/kg, xoài 35.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại...

buoi-bd-1722799407559592827533.jpg
Giá bưởi thời gian qua đang ở mức tốt - Ảnh: N.TRÍ

Theo nhiều nhà vườn, do hết vụ hoặc nghịch mùa nên nguồn cung nhiều chủng loại trái cây đang giảm, trong khi nhu cầu khi bước qua tháng 7 âm đang tăng dần, đẩy giá bán một số loại tăng.

Theo ông Lê Minh Sang - giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương), hiện giá bưởi bán tại vườn đang ở mức ổn định với 27.000 - 29.000 đồng/kg (bán xô); giá bán cho siêu thị 40.000 đồng/kg (hàng lựa). Mức giá trên giảm 3.000 - 4.000 đồng so với tháng trước nhưng cao hơn cùng kỳ.

Ông Sang cho biết dù trái ra quanh năm nhưng thời điểm này nguồn cung bưởi đang thấp điểm, nên khả năng không đủ sản lượng đáp ứng cho dịp tháng 7. Do đó, nếu hút hàng, giá bưởi trên thị trường khả năng tăng mạnh dịp này.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Bảo, giám đốc HTX xoài Suối Lớn (tỉnh Đồng Nai), cho biết tùy theo giống và khu vực, nhưng phần lớn mùa chính vụ của xoài kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5. Do đó, nguồn cung xoài hiện khá ít, giá tăng cao.

Theo nhiều tiểu thương, tháng 7 âm lịch nhu cầu trái cây tăng mạnh nhằm phục vụ cho các lễ cúng, nhưng thời điểm này nguồn cung chủ yếu xoay quanh vài loại cho trái quanh năm như bưởi, dưa hấu, thanh long... Do đó, nếu nhu cầu đổ dồn vào các chủng loại này, cung thiếu cầu, giá bán sẽ cao.