Phát hoảng khi dự trù chi tiêu cho tháng mới: Sơ sơ đã hơn 30 triệu

Luôn cân nhắc chi tiêu nhưng số tiền phải chi cho gia đình 4 người/tháng thật sự không hề nhỏ.

Ghi chép chi tiêu hàng tháng có tầm quan trọng lớn trong việc quản lý tài chính cá nhân. Theo dõi cẩn thận các khoản chi tiêu của mình để có thể nhận thức được mức độ tiêu tiền cho các hoạt động khác nhau và từ đó phát hiện ra những khoản chi không cần thiết hoặc quá mức.

Qua đó, người quản lý kinh tế chính trong gia đình có thể đưa ra các quyết định thông minh hơn về việc cắt giảm chi phí hoặc điều chỉnh ngân sách để phù hợp với mục tiêu tài chính dài hạn của mình. Ngoài ra, việc này còn giúp chuẩn bị tốt hơn cho các chi phí đột xuất và có kế hoạch tiết kiệm hoặc đầu tư hiệu quả hơn.

Tất cả những điều trên đều là những nguyên tắc cơ bản trên lý thuyết, còn thực tế thì việc ghi chép chi tiêu của những người mới bắt đầu làm quen với việc quản lý chi tiêu gia đình luôn khiến họ ngỡ ngàng và bàng hoàng vì không thể ngờ đến các khoản cần phải chi tiêu có thể lên đến con số lớn đến thế.

Phương Anh - một mẹ bỉm 2 con ở Hà Nội mới đây đã ngồi viết lại các khoản dự trù cho chi tiêu tháng 10 tới. Cô cho biết vì sắp chuyển nơi ở, có nhiều thứ phải thay đổi nên đã quyết định lại những khoản bắt buộc và dự trù phải chi cho tháng mới.

chi tiêu
Dự trù chi phí của Phương Anh. - Ảnh: NVCC

 

"Mình nhận thấy bản thân là người khá tằn tiện, ăn uống đơn giản không phải sơn hào hải vị gì. Đi du lịch cũng là kiểu du lịch bụi, ngồi cafe cũng không chọn quán sang chảnh đắt tiền. Thậm chí ngay cả thuê nhà cũng chọn nhà tập thể cũ chứ không chọn các căn hộ dịch vụ xịn xò. Con lớn học trường công, con nhỏ cũng chọn chỗ gửi trẻ ở mức học phí trung bình nhưng không hiểu sao đến khi ngồi ghi chép từng li từng tí một thì con số tổng nó lại khủng khiếp như thế".

Cô cho biết tổng thu nhập của 2 vợ chồng cô hiện tại rơi vào khoảng 40 triệu/tháng. Vì thấy bản thân vẫn để ra được một khoản để tiết kiệm mỗi tháng nên cô ít khi ngồi viết lại chi tiêu của bản thân. Cô tự nhận mình đã khá là chắt bóp chi tiêu nên nếu có ghi chép rồi lỡ thấy mình tiêu hơi nhiều thì cũng thêm đau đầu chứ không còn biết cắt giảm ở đâu nữa.

chi tiêu
Ảnh: NVCC

 

Các khoản chi tiêu của gia đình cô gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ (10 tuổi và 1 tuổi) như sau:

1. Tiền học con lớn: 2,8 triệu đồng (học trường công có bán trú + tiền học thêm năng khiếu)

2. Tiền gửi trẻ con nhỏ: 4,2 triệu đồng (học trường tư + tiền ăn ở trường)

3. Thuê nhà: 5 triệu đồng (nhà tập thể cũ)

4. Điện + nước: 1 triệu đồng

5. Dịch vụ + internet + 4G: 500 nghìn đồng

6. Xăng xe máy: 300 nghìn đồng

7. Dầu ô tô: 1,2 triệu đồng

8. Gửi ô tô: 2 triệu đồng

9. Ăn sáng + ăn vặt + sữa con lớn: 500 nghìn đồng

10. Sữa con nhỏ: 1,8 triệu đồng (dùng sữa chuyên biệt cho bé dị ứng đạm bò)

11. Bỉm cho con nhỏ: 400 nghìn đồng

12. Vitamin + thuốc + sữa chua + ăn vặt: 500 nghìn đồng

13. Ăn trưa của vợ: 2 triệu đồng (chồng đã ăn trưa ở cơ quan)

14. Tiền ăn của cả nhà: 6 triệu đồng (trung bình 200 nghìn đồng/ngày/3 người)

15. Ăn hàng: 2 triệu đồng (những ngày tăng ca, việc đột xuất không thể nấu nướng)

16. Cafe + đi chơi cuối tuần: 1 triệu đồng

17. Phát sinh: 1 triệu đồng (hiếu hỷ + quần áo + đồ dùng hàng ngày)

Tổng số tiền phải chi trong 1 tháng của gia đình Phương Anh là 32,2 triệu.

Tuy ước lượng được số tiền phải chi tiêu cho gia đình trong một tháng nhưng khi thật sự phải ngồi xuống ghi chép từng chút một thì cô vẫn hơi hoảng hốt vì số tiền bắt buộc phải chi ra một tháng lại nhiều đến như thế.

"Nếu bây giờ cắt giảm thì thật sự rất khó vì hầu hết tất cả các khoản đều đã là những khoản chi cố định không thể thay đổi được rồi. Những khoản có thể cắt bớt thì cũng không thể cải thiện được quá nhiều con số tổng. Hiện tại, vợ chồng mình vẫn đang tiết kiệm được khoảng 8 triệu/tháng nên có lẽ mình sẽ vẫn giữ mức chi tiêu thế này để đảm bảo đời sống tinh thần cho cả nhà nữa".

Nhìn vào bảng chi tiêu này, liệu cô vợ trẻ này có thể cắt giảm được gì mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình không?

Theo Phụ nữ số