Nhân viên môi giới bất động sản ồ ạt bỏ việc

Nghề môi giới bất động sản đang gặp vô vàn khó khăn.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng nhân viên môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản hiện nay chỉ có khoảng 25.000 sản phẩm là hàng tồn kho từ năm trước. Các dự án nhà ở mới rất hiếm hoi trên thị trường. Nguồn cầu thị trường cũng theo đó mà sụt giảm do thiếu vắng sản phẩm mới. Các sản phẩm cũ thiếu sức hút với khách hàng.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cho vay mua bất động sản cao, việc vay mua khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm do suy thoái kinh tế khiến lực cầu thị trường giảm mạnh. Cùng với đó, niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản hiện nay giảm mạnh, lãi suất tiền gửi tăng cũng thu hút người dân đổ tiền vào kênh đầu tư này. Nguồn cung và lực cầu của thị trường đều giảm khiến giao dịch của thị trường suy yếu.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn như trên, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 61% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm gần 65% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm trên 38% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu từ các dự án xây dựng dở dang. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

môi giới bất động sản
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bảo Chương

 

Chính những điều đó đang khiến cho nghề môi giới bất động sản đang gặp vô vàn khó khăn.

Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group, Phó chủ tịch VARS cho biết, thị trường đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức, doanh nghiệp thực sự chìm đắm trong khó khăn. Giai đoạn cao điểm công ty của ông có đến 10.000 nhân sự kinh doanh (bao gồm cả cộng tác viên) thì hiện nay chỉ còn khoảng 40% trong số này. Có thể công ty sẽ tiếp tục phải cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy trong thời gian tới khi khó khăn còn bủa vây.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hoạt động môi giới suy yếu có nguyên nhân từ sụt giảm giao dịch. Một điều nữa khiến môi giới bất động sản nghỉ việc ồ ạt là do mất thị trường khi thị trường truyền thống là các dự án khu đô thị và khu du lịch nghỉ dưỡng đều trong tình trạng vướng mắc về thủ tục nên không thể triển khai. Cùng với tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng rất thấp.

Trước những diễn biến khó khăn của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Chánh Văn phòng Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề xuất các giải pháp “khơi thông” thị trường bất động sản hiện nay. Theo đó, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”: khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm.

Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” các dự án của doanh nghiệp. Sau đó, hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Song song với đó, tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, đúng vấn đề thị trường đang trông đợi; có chính sách hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế…

Theo Lao động