Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng san hô ở vịnh Nha Trang giảm do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng hai cơn bão lớn vào năm 2019 và 2021. Hệ sinh thái ở vịnh biến đổi vì khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển sai quy định, xả thải trong du lịch. Lắp camera là một trong những giải pháp xử lý việc suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun do TP Nha Trang
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết camera sẽ được lắp ở một số nơi trên đảo để theo dõi tàu cá, tàu lặn trong phân khu bảo tồn. Ngoài ra, vịnh đề xuất đầu tư camera lặn dưới nước để hỗ trợ quá trình kiểm tra tốc độ sinh trưởng san hô. Tổng kinh phí lắp camera dự kiến 260 triệu đồng.
Cùng với việc lắp camera giám sát, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga và Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang - Đại học Nha Trang sẽ thí điểm trồng phục hồi san hô ở một số khu vực Hòn Mun. Từ đó, các đơn vị lựa chọn phương pháp tối ưu để phục hồi san hô trên diện rộng.
Vịnh Nha Trang rộng gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển, xem đáy đại dương.
Tuy nhiên, thời gian qua san hô tại một số khu vực ở vịnh suy giảm nghiêm trọng. Đáng chú ý ở khu bảo tồn Hòn Mun, cách TP Nha Trang hơn 10 km, độ phủ san hô từ hơn 50% cách đây 7 năm, nay chỉ còn trên dưới 10%, tùy khu vực. Tại một số vị trí quanh đảo, hàng trăm m2 san hô hư hại, có nơi san hô bị xoá trắng.
Để bảo vệ, phục hồi các rạn san hô và hệ sinh thái biển, một tháng trước hoạt động du lịch lặn biển ở một số khu vực trong vịnh Nha Trang, nhất là đảo Hòn Mun bị tạm dừng.
Nguồn Vnexpress