Người tiêu dùng không nên vì sĩ diện mà mùa hàng nhái thương hiệu lớn

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho rằng, người tiêu dùng không nên vì vấn đề tâm lý, sĩ diện, với suy nghĩ phải dùng hàng hiệu, hàng đắt tiền thì mới được thiên hạ nể nang, nhưng lại không đủ điều kiện kinh tế nên chấp nhận tìm mua hàng giả.

Buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn nhức nhối

Những năm qua, thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vẫn âm thầm diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, các đối tượng buôn lậu, hàng giả tăng cường hoạt động mạnh mẽ.

Người tiêu dùngLực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy hàng hóa vi phạm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” vừa được tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, luật sư, đại diện doanh nghiệp đã chỉ rõ những thực trạng nhức nhối đồng thời cũng nêu lên không ít những giải pháp nhằm tiếp tục ngăn chặn việc buôn lậu hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trên thực tế thời gian qua, vấn nạn buôn bán vận chuyển hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm. Điều này làm cho ngành Hải quan nói chung, Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, tại các địa bàn tỉnh biên giới, các đối tượng sử dụng xe ôtô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới; thời gian vận chuyển thường vào ban đêm; trước khi vận chuyển, sử dụng các đối tượng canh đường, theo dõi lực lượng chức năng; khi bị truy đuổi thì vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, kích động gây áp lực để tẩu tán hàng hóa; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa gây khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính chủ mưu, cầm đầu.

Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Theo thống kê của ngành Hải quan, tính đến ngày 15/10, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 265,841 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ…

Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện.

Mặc dù các vụ việc vi phạm đã được các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn của đơn vị phải thường xuyên phải xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, xe máy và phụ tùng xe máy là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan và ngày càng tinh vi, chủ yếu bán qua kênh online.

Các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy của các thương hiệu quen thuộc của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán khá nhiều với đủ loại mức giá. Trong đó vẫn còn rất nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nói trên hoặc không xác minh được nguồn gốc. Hành vi xâm phạm quyền trên website bán hàng thường thể hiện dưới dạng sử dụng trái phép nhãn hiệu đang được bảo hộ của tổ chức/cá nhân khác trên website hay các nội dung, bài đăng trên website, và đăng tải hình ảnh sản phẩm là sản phẩm giả hoặc nhái trên website…

Thời gian qua, các thành viên của VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái… Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

20221203153746-73nguoi-tieu-dung.png
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh

Hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu

Chia sẻ tại Hội thảo, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt.

“Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Chúng ta phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa” – bà Thu nhấn mạnh.
Đồng thời, theo bà Thu, cần tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; có sự phối, kết hợp chặt chẽ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua.

Song song đó, theo bà Phan Thị Việt Thu, người tiêu dùng nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng hàng có vấn đề về chất lượng. Không nên vì vấn đề tâm lý, sĩ diện, với suy nghĩ phải dùng hàng hiệu, hàng đắt tiền thì mới được thiên hạ nể nang, nhưng lại không đủ điều kiện kinh tế nên chấp nhận tìm mua hàng giả. Thị trường có cung thì cầu đương nhiên xuất hiện.

Đối với doanh nghiệp, Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, vì đó cũng nhằm bảo vệ thương hiệu và sự nghiệp kinh doanh của chính mình.

Cho nên, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo qui định pháp luật, kịp thời đưa ra những hình thức khuyến thưởng dành cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả… Đồng thời dự liệu các chương trình thay đổi mẫu mã sản phẩm và thông báo, hướng dẫn để người tiêu dùng nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát thị trường để phát hiện hàng giả,…

Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả tuồn vào nội địa, ông Nguyễn Văn Ổn cho rằng, chính các doanh nghiệp bị giả mạo sản phẩm cần phản ánh mạnh mẽ đến cơ quan chức năng cũng khuyến nghị với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy các cấp, các ngành cùng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Về giải pháp liên quan đến người tiêu dùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cũng cho rằng, người tiêu dùng, doanh nghiệp, có thể chịu thiệt thòi một chút, mạnh dạn lên án đấu tranh với hàng lậu, hàng giả. Đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin kịp thời với cơ quan chức năng; tăng cường công tác phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức tập huấn về nhận biết hàng giả để cơ quan chức năng và người tiêu dùng nắm bắt, chủ động phòng chống hàng giả...

https://thuongtruong.com.vn/news/nguoi-tieu-dung-khong-nen-vi-si-dien-ma-mua-hang-nhai-thuong-hieu-lon-94037.html