Đối với gà còn sống
Để chọn mua những con gà còn sống ngon và an toàn, bạn cần biết cách để phân biệt gà khỏe với gà bị bệnh.
Đầu tiên, bạn cần quan sát sự di chuyển của gà. Gà còn khỏe sẽ di chuyển linh hoạt, hoạt động tích cực. Những con gà có dáng vẻ ủ rủ, phần đuôi hơi cụp xuống và di chuyển chậm chập, gật gù thì đó là những con gà đã bị nhiễm bệnh.
Lông của những con gà khỏe mạnh sẽ suôn mượt và có độ bóng nhất định. Còn những con gà bị bệnh sẽ bị xù lông, lông đầu dựng lên và phần lông hơi ẩm ướt.
Tiếp theo, bạn cần quan sát đến phần mắt và mỏ của gà. Những con gà bị bệnh sẽ nhắm nghiền mắt, phần mắt và mũi thường bị chảy dịch. Bên cạnh đó, gà bệnh sẽ có biểu hiện khó thở, hơi khò khè.
Phần chân gà bệnh thường xuất hiện các vết bằm, sưng tấy, đôi khi chuyển sang các màu lạ. Còn phần mào thì có màu tím nhợt hay bầm đen.
Đối với gà làm sẵn
Đối với gà ta ngon, nên chọn những con gà có da gà ta vàng nhạt, mỏng, mịn, độ đàn hồi cao và chỉ vàng đậm ở một số chỗ như ức, cánh, lưng. Gà ta làm sẵn thường có thân hình nhỏ gọn, săn chắc, ức hẹp.
Gà ngon có thịt trông phải tươi, thịt không có mùi hôi, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Muốn mua gà ngon thì không nên chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi làm.
Dùng tay ấn vào mình gà, lườn gà hoặc đùi để kiểm tra, nếu thịt săn chắc là gà ngon. Còn nếu thịt nhão, trơn, biến dạng, bị lõm kiểu phù nhiều nước, chứng tỏ gà bị tiêm thuốc nước đôi khi còn bị pha lẫn hàn the vào. Tuyệt đối không mua gà này, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một trong những bí quyết chọn gà mổ sẵn ngon là bạn hãy kiểm tra phần cổ gà. Nếu như trên cổ có màu sắc sáng bóng không bị tụ máu bầm, hoặc những nốt sần đỏ li ti thì đó là gà khỏe mạnh thơm ngon. Ngược lại nếu phần da cổ có màu sắc bất thường thì đó là gà bị bệnh, chị em không nên lựa chọn.
Để nhận biết được gà có bị nhuộm màu hay không hãy quan sát, nếu da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hóa chất.
Ngoài ra, để tránh mua phải gà bơm nước, bạn hãy để ý, dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn) để kiểm tra, nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì không mua.
Nếu mua những phần thịt đã được chế biến và đóng gói thì nên quan sát kỹ hạn sử dụng và ngày đóng gói. Kiểm tra xem các vị trí miệng túi có còn nguyên vẹn hay không.
Cách nhận biết gà thải loại
Ngoài gà công nghiệp và gà ta, bạn cũng cần cẩn thận với gà thải loại. Gà thải loại là những loại gà chuyên trứng sau khi hết vòng sinh sản thì sẽ bị loại và thải đi, sau đó người ta dùng gà này để thịt và bán.
Đối với loại gà này thì hàm lượng chất dinh dưỡng rất thấp, thịt xơ và không ngon nên giá thành sẽ rẻ và nhiều người khó phân biệt được so với các loại gà thông thường.
Để phân biệt gà thải loại bạn có thể nhận biết bằng mắt thường. Gà đẻ thải loại sẽ có phần mỏ ngắn, đặc biệt là phần mỏ trên còn ngắn hơn phần mỏ dưới. Bởi trong quá trình nuôi đẻ gà rất hay mổ nhau cho nên người nuôi thường cắt ngắn phần mỏ trên so với mỏ dưới.
Phần da gà thường dày, trắng vì chúng ăn cám công nghiệp chứ không vàng ươm như gà ta thả vườn ăn ngô, lúa.
Những lưu ý khi sử dụng thịt gà và mẹo bảo quản thịt gà
Sau khi đã nắm được cách chọn gà ngon, bạn cũng cần chú ý trong cách sử dụng thịt gà nhé. Trong quá trình chuyển hóa và hấp thu, các thành phần trong thức ăn luôn có những tương tác phức tạp. Thịt gà cũng vậy. Theo lời khuyên của bác sĩ Đông Y, bạn nên chú ý:
- Tránh kết hợp thịt gà cũng những thực phẩm có tính nóng như: kinh giới, hành tỏi sống, rau cải, thịt chó, tôm…
- Thịt gà không nên ăn cùng cá chép dễ gây mụn nhọt.
- Những người bị xơ gan hay viêm khớp, huyết áp cao nên hạn chế ăn thịt gà.
- Người vừa phẫu thuật hoặc có vết thương hở cũng không nên ăn thịt gà.
- Thịt gà khá nóng nên sẽ không phù hợp cho người bị táo bón hoặc thủy đậu.
Để giữ được hàm lượng dinh dưỡng có trong thịt gà, khi nấu chín, bạn nên bảo quản bằng tô đĩa sứ. Bảo quản thịt gà bằng tô đĩa sứ vừa giữ được hương vị vừa giúp món ăn trở lên ngon mắt hấp dẫn hơn.