Trước khi tìm hiểu kĩ hơn về tình trạng này, chúng ta cần hiểu cụ thể lạm phát lối sống là gì? Lạm phát lối sống đề cập đến việc bạn gia tăng mức chi tiêu khi thu nhập cá nhân tăng lên. Lạm phát lối sống thường xảy ra với người trẻ khi chuyển từ một sinh viên sang đi làm toàn thời gian hoặc khi vừa được tăng lương.
Lạm phát lối sống là nguyên nhân đẩy nhiều người mắc kẹt trong vòng xoay của đồng lương hàng tháng. Đồng thời, nó cũng khiến bạn khó đạt được những mục tiêu tài chính cá nhân như tiết kiệm hay dành ra các khoản đầu tư khác.
Cách để tránh lạm phát lối sống
Lạm phát lối sống khiến nhiều bạn trẻ phải sống bằng đồng lương hàng tháng mà không thể để ra được một khoản ngân sách dự phòng cho những trường hợp đột xuất. Vì vậy, kiểm soát bản thân tránh được tình trạng lạm phát lối sống càng sớm càng tốt. Để làm được điều đó, bạn có thể dựa vào những gợi ý dưới đây.
1. Xây dựng kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cụ thể
Hầu hết các bạn trẻ chi tiêu mạnh hơn khi nhận được nguồn thu nhập tốt hơn. Lúc này, bạn sẽ có xu hướng tiêu nhiều để bù đắp lại công sức bản thân đã bỏ ra và xem đó giống như một phần quà tự thưởng cho bản thân. Kết quả là, việc không kiểm soát chi tiêu cá nhân khiến bạn dùng sạch nguồn thu nhập có được mà không thể tạo ra bất kỳ khoản tiết kiệm nào.
Do vậy, ngay từ sớm bạn cần xây dựng một kế hoạch cụ thể cho việc tiết kiệm và chi tiêu hàng tháng. Bạn nên để ra một khoản tiết kiệm ngay khi nhận được lương và dùng số tiền còn lại sử dụng cho chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Việc kiểm soát có kế hoạch như thế này sẽ giúp bạn luôn để ra một khoản tiết kiệm, tránh việc bội chi.
2. Cân nhắc kĩ trước khi thay đổi ngân sách
Thông thường thì việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu nhập của bạn (trừ các trường hợp đặc biệt). Vì thế, bạn không cần phải thay đổi lối sống và mức chi tiêu của bản thân khi được tăng lương. Thay vào đó, bạn có thể biến nguồn thu nhập tăng thêm đó thành khoản tiết kiệm hàng tháng.
Tất nhiên, để ăn mừng cho việc bạn vừa được tăng lương, bạn có thể mua tặng bản thân một món quà nhỏ trong tháng đó với một mức chi phí vừa phải. Điều này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các khoản chi tiêu cá nhân của bạn.
3. Chi tiêu cho những điều đáng giá
Để tránh rơi vào lạm phát lối sống, bạn cần cân nhắc kĩ cho những khoản chi tiêu của bản thân. Thay vì đổi sang một chiếc điện thoại mới, một chiếc xe mới, bạn nên đầu tư vào những điều đáng giá hơn, chẳng hạn như học thêm những kỹ năng mới. Không chỉ tăng thêm hiểu biết và kiến thức, điều này còn giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp, là đòn bẩy để chạm tới những nguồn thu nhập tốt hơn.
4. Thay đổi dần dần
Đừng chi tiêu quá đà ngay sau khi được tăng lương. Thay vào đó, bạn hãy thực hiện việc đó dần dần theo thời gian. Nhờ vậy mà gánh nặng chi tiêu của bạn cũng sẽ giảm xuống và giúp bạn luôn quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả.
Theo Investopedia - Theo phunuvietnam.vn