Miền Bắc nắng hanh kéo dài
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu kết hợp trường phân kỳ trên cao nên các tỉnh miền Bắc duy trì trạng thái thời tiết ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh, vùng núi trời rét, vùng núi có nơi rét sâu dưới 18 độ. Điều này dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm tại các tỉnh miền Bắc khá lớn khi vào ban ngày trời nắng hanh, nhiệt độ cao nhất lên đến 30 độ.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hôm nay tiếp tục duy trì hình thái thời tiết trời nắng, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ. Nhiệt độ cao nhất 28-30 độ, một số nơi khu vực Tây Bắc cao nhất trên 30 độ.
Hình thái thời tiết này, khá thuận lợi cho các hoạt động và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, miền Bắc đã bước vào mùa Đông, nhưng nhiệt độ cao nhất trong ngày vẫn lên đến 30 độ? Vậy hình thái thời tiết này còn kéo dài cho đến bao giờ?
Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hình thái thời tiết trên còn duy trì nhiều ngày tới ở các tỉnh miền Bắc. Khoảng 12-13/11, khu vực này có thể đón một đợt không khí lạnh yếu khiến trời nhiều mây, có mưa nhỏ, đợt nắng hanh dài ngày mới kết thúc.
Thời tiết gió hanh, khô, làm độ ẩm trong không khí thấp khiến nguy cơ xảy ra cháy lớn, cháy lan rộng cao hơn. Bởi vậy đây cũng là mùa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy lớn nhất.
Người dân cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng điện và sử dụng gas an toàn. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị các dụng cụ phòng cháy chữa cháy ban đầu để sẵn sàng ứng phó trong các trường hợp cần thiết.
Mặc dù đã bước vào những tháng mùa Đông nhưng nền nhiệt tại các tỉnh miền Bắc được dự báo cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,0 độ. Cơ quan khí tượng cho biết, xu thế nhiệt độ trung bình trong thời kỳ tháng 11 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 0,50C, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Nửa cuối tháng 11, không khí lạnh gia tăng tần suất và cường độ.
Cơ quan khí tượng cũng nhận định, không khí lạnh trong mùa đông 2022-2023 hoạt động ở mức tương đương với trung bình nhiều năm. Khoảng nửa cuối tháng 12, miền Bắc có thể đón đợt rét đậm đầu tiên. Tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023 sẽ là thời gian xảy ra rét đậm, rét hại nhiều nhất.
Nam Bộ còn nhiều đợt triều cường từ nay đến cuối năm
Những tháng cuối năm 2022, dự báo Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khắc nghiệt.
Trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 01/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác xuất khoảng từ 50-60%.
- Bão/ATNĐ: Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 03-05 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 02 hoặc 03 cơn. Đề phòng xảy ra bão, ATNĐ và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022.
- Xu thế lượng mưa: TLM khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thấp hơn so với TBNN từ 20-30%, khu vực vùng núi phía Bắc thấp hơn 30-50%; khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cao hơn 5-10% so với TBNN cùng thời kỳ; khu vực Nam Bộ cao hơn 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong khi đó, tại Nam Bộ, điều mà bà con lo lắng là những đợt triều cường cao gối nhau liên tục. Ngoài gây ngập úng các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, triều cường cao có thể làm vỡ đê bao, đe dọa các diện tích thủy sản, cây ăn trái, hoa màu phục vụ thị trường Tết.
Nhiều địa phương Cần Thơ, TPHCM... liên tục ghi nhận triều cường cao kỷ lục.
Các chuyên gia nhận định, năm nay là một năm triều cường rất cao tại Nam Bộ, vì thế không loại trừ sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới.
Trong đó, ngoài đợt triều cường vào cuối tháng 10 vừa qua, dự báo đợt triều cường cuối tháng 11 và cuối tháng 12 cũng gây ảnh hưởng nặng nề đển các tỉnh Nam Bộ.
Đặc biệt, đây là thời điểm giáp nhiều vựa hoa, cây cảnh lớn ở miền Tây đang trồng để phục vụ dịp Tết Nguyên đán, nhưng những triều cường lịch sử trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân.