Suốt những năm đầu đời, hầu hết chúng ta đều gắn bó thân thiết với mẹ trong từng miếng ăn, giấc ngủ, sinh hoạt thường nhật. Thế nhưng càng lớn, những mối bận tâm riêng, công việc, quan hệ xã hội lại khiến thời gian dành cho mẹ ít đi. Những cử chỉ, lời nói yêu thương cứ thế mà ít dần đi.
Với người trẻ đương thời, việc gặp mẹ vài phút cuối ngày hay những cuộc hội thoại qua điện thoại "báo cáo" chưa tới 10 giây là đã đủ "duy trì" mối quan hệ mẹ con. Đôi khi chính bản thân họ cũng không thể lý giải vì sao. Một khoảng cách vô hình bỗng dưng tồn tại, dẫu chẳng có giận hờn hay mâu thuẫn. Vì sao rất thương yêu nhưng lại ngại "gần" mẹ?
Chưa thể rút ngắn khoảng cách thế hệ
Dù sinh sống ở bất kì xã hội nào, khoảng cách thế hệ là điều luôn tồn tại và chi phối mạnh mẽ đến các gia đình. Mỗi một thế hệ có những quy chuẩn xã hội riêng đã định hình nên tính cách, thói quen và quan điểm sống của họ, và chúng rất khác nhau. Trong mắt của mẹ, chúng ta luôn là "những đứa trẻ chưa lớn", cần sự bảo bọc, chở che. Mẹ sẽ không hiểu được vì sao những đứa con của họ lại lựa chọn làm những công việc có phần mạo hiểm, thích "bay nhảy" trải nghiệm hay không đoái hoài việc thành gia lập thất sớm…
Đó là chưa kể trong bối cảnh xã hội đương thời, ai cũng mang theo bên mình một thế giới ảo thu nhỏ trong chiếc điện thoại thông minh, với hàng tá thông tin, nội dung được cá nhân hóa tuyệt đối và những kết nối mạng xã hội cần được chăm sóc. Chị Minh Anh (28 tuổi) chia sẻ: "Guồng quay cuộc sống ở thành phố thực sự rất nhanh, không chỉ bố mẹ mà mình cũng rất bận bịu đi làm, đi học nên khá ít thời gian để có những cuộc trò chuyện sâu. Có những chủ đề mình cũng khó lòng chia sẻ vì bố mẹ chưa trải nghiệm nên chưa hiểu".
Ngại "gần" khiến khoảng cách càng xa
Khác với văn hóa của phương Tây, người Á Đông có xu hướng thể hiện tình cảm một cách từ tốn, kín đáo. Đặc biệt, với người thân trong gia đình, việc thể hiện tình yêu thương càng khó khăn gấp bội. Là con trai trưởng trong một đại gia đình 3 thế hệ chung sống, anh Hoàng Long (35 tuổi) cho biết dù rất thương mẹ nhưng anh chưa bao giờ nói: Con yêu mẹ. "Mình cứ thấy ngại sao đó, từ nhỏ đến lớn gia đình cũng không có thói quen này. Ba mẹ mình chung sống hạnh phúc 36 năm nay nhưng mình cũng chưa nghe bố nói lời yêu bao giờ", Long kể.
Ngoài ra, càng ngày người trẻ càng chịu nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống bên ngoài, khiến bản thân chúng ta dần ngại chia sẻ với người thân, nhất là mẹ vì sợ mẹ sẽ lo lắng và suy nghĩ nhiều. Từ đó vô tình khiến khoảng cách giữa mẹ con lại càng thêm xa. Dẫu biết tình thân luôn tồn tại và khăng khít, nhưng tình cảm nào mà chẳng cần được tỏ bày, chăm sóc, nâng niu?
Nỗ lực để trái tim gần nhau, khoảng cách rồi sẽ được lấp đầy
Tháng 6, tháng Gia đình Việt Nam đang đến gần. Nhân dịp đặc biệt này, hãy thử mở lòng và lấy dũng khí để bước gần hơn đến mẹ. Ai cũng sẽ có cơ hội khi những trái tim chung nhà chịu xích lại gần nhau, bởi vì yêu là phải nói. Người lớn không phải lúc nào cũng mạnh mẽ. Mẹ cũng có những lúc mệt mỏi vì những lo toan cuộc sống, một lời hỏi thăm hay cử chỉ yêu thương từ con sẽ trở thành nguồn động viên to lớn với mẹ.
Thế nhưng không nói chưa chắc đã không yêu. Bởi lẽ, yêu thương đôi khi không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn có thể biểu hiện qua nhiều "ngôn ngữ" khác nhau. Xắn tay phụ mẹ chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, cùng mẹ đi xem buổi hòa nhạc mà mẹ yêu thích hay tặng mẹ một món trang sức ý nghĩa đều có thể là cách "mở lời" yêu tuyệt vời nhất.
Bền bỉ theo thời gian, vẻ đẹp của một đôi hoa tai, sợi dây chuyền hay chiếc nhẫn lung linh sẽ là lời gợi nhắc tuyệt vời cho những kỷ niệm mẹ và con đã cùng nhau vun vén, gìn giữ. Hơn hết, đó còn là lời cảm ơn ý nghĩa dành cho công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Chỉ cần trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn nỗ lực để giữ cho tim mình được kề cận bên trái tim ấm áp của mẹ. Khi mẹ và con sẵn sàng để lắng nghe, thấu hiểu và trao đi những cử chỉ chân thành nhất, hai trái tim mặc nhiên sẽ xích lại gần nhau, mọi khoảng cách rồi sẽ được xóa nhòa.
Thấu hiểu những khúc mắc, những rào cản và khoảng cách trong các mối quan hệ tình thân của các gia đình trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, PNJ mong muốn được đồng hành cùng các gia đình Việt Nam trong hành trình nuôi dưỡng mối quan hệ tình thân bền vững, là cầu nối khuyến khích cha mẹ và con cái có những kết nối thực sự với nhau; truyền cảm hứng cho các mối quan hệ tình thân gần nhau hơn, thêm thương nhau hơn.
Tháng Gia đình Việt Nam sắp tới, cùng PNJ giữ cho "tim gần" và xoá nhoà mọi khoảng cách với Mẹ thông qua món quà tặng trang sức tinh tế vừa có ý nghĩa trọn vẹn, vừa đem đến giá trị tích luỹ bền lâu!