Một nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện ra rằng việc thường xuyên tiêu thụ cá và các loại hải sản khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính. Cụ thể hơn, ngoài khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến da bị cháy nắng thì theo một nghiên cứu mới của Đại học Brown được công bố trên tạp chí Ung thư Nguyên nhân và Kiểm soát, việc ăn hải sản cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da và từ đó tăng cao nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu này đã phân tích 491.367 người tham gia trong Nghiên cứu về Chế độ ăn uống và Sức khỏe NIH – AARH bằng cách ghi lại thời gian, mức độ và tần suất những người này tiêu thụ các loại hải sản chế biến sẵn khác nhau như cá chiên, cá không chiên và cá ngừ đóng gói. Nhóm nghiên cứu cũng tính toán cả những yếu tố khác về lối sống hoặc xã hội học bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, hút thuốc, hoạt động thể chất, thói quen sử dụng rượu và caffein, v.v.
Trong thời gian theo dõi trung bình là 15,5 năm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 5.034 trường hợp xuất hiện khối u ác tính và 3.284 trường hợp phát hiện khối u tại chỗ trong số những người tham gia. Khoảng 1% trong tổng số những người tham gia đã phát triển khối u ác tính trong khi khoảng 0,7% phát triển khối u ác tính tại chỗ, hay còn gọi là khối u ác tính ở giai đoạn 0, giai đoạn mà ung thư vẫn còn biệt lập ở lớp trên cùng của da và chưa lan rộng.
“Yếu tố có mối quan hệ tích cực nhất quan là yếu tố về nhân khẩu học và lối sống”, nghiên cứu nêu rõ. “Cũng có những mối liên quan giữa việc ăn cá ngừ và ăn cá không chiên với nguy cơ phát triển khối u ác tính và khối u ác tính tại chỗ. Tuy nhiên, ăn cá rán có mối liên hệ tương phản với nguy cơ phát triển khối u ác tính.”
Những người tham gia ăn khoảng 15 gam cá ngừ mỗi ngày so với những người ăn 0,3 gam mỗi ngày có nguy cơ mắc cả khối u ác tính lẫn khối u ác tính tại chỗ cao hơn 17%. Những người tham gia tiêu thụ khoảng 18 gam cá hoặc hải sản không chiên mỗi ngày so với tiêu thụ khoảng 0,3 gam cá hoặc hải sản không chiên mỗi ngày có nguy cơ phát triển khối u ác tính cao hơn 18% và tăng 25% nguy cơ xuất hiện khối u ác tính tại chỗ.
Eunyoung Cho, đồng tác giả nghiên cứu và là phó giáo sư da liễu và dịch tễ học tại Đại học Brown cho biết “Chúng tôi suy đoán rằng phát hiện của chúng tôi có thể là do các chất gây ô nhiễm trong cá, chẳng hạn như polychlorinated biphenyls, dioxin, asen và thủy ngân”.
“Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng hấp thụ cá ở mức cao hơn có liên quan đến nồng độ cao hơn của những chất gây ô nhiễm này trong cơ thể và những chất này cũng đã được xác định là có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư da. Mức thủy ngân trong cơ thể người chủ yếu là từ cá. Vì vậy, nếu thủy ngân có liên quan đến ung thư da thì dây là lí do vì sao lượng cá ăn vào là nguyên nhân sâu xa của tất cả”.
Nghiên cứu chưa phân tích thủy ngân hoặc các chất gây ô nhiễm khác có trong cá và các tác giả của nghiên cứu cũng cho biết rằng cần nghiên cứu thêm để xác định xem chất gây ô nhiễm trong hải sản có phải là lý do cho mối liên quan giữa hải sản và khối u ác tính được tìm thấy trong nghiên cứu này hay không.
Theo Vietq.vn