Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào đã giúp châu Âu lấp đầy kho dự trữ mùa Đông, cao hơn mức trung bình lên tới 91%, cung cấp một vùng đệm cho những tháng lạnh hơn. Đây được coi là một lợi thế, nhưng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt đến khu vực qua đường ống Nord Stream đã tạo ra khoảng trống rất lớn, bất chấp nguồn cung từ những nơi khác đang tăng lên.
Đường ống khí đốt
Các nhà phân tích tại nhà cung cấp SEFE Energy của Anh cho rằng, giá cả vẫn tiềm ẩn rủi ro với sự leo thang xung đột và tiềm năng đối với cơ sở hạ tầng khí đốt là mục tiêu.
Châu Âu đang phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), trông chờ vào một mùa đông không quá khắc nghiệt và nỗ lực cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, bởi bất kỳ sự cố nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng hay chỉ cần Nga giảm sâu hơn nguồn cung cũng sẽ khiến họ phải đối diện với điều tồi tệ nhất.
Ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đạt mục tiêu tích trữ công suất dự trữ khí đốt tối đa vào tháng 11 và đảm bảo được nhu cầu sưởi ấm và thắp sáng trong mùa đông năm nay, họ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều, khi phải bổ sung kho dự trữ cạn kiệt vào năm tới.
Công ty Eni SpA của Ý cho biết, đã bắt đầu vận chuyển thêm LNG từ Châu Phi. Còn ở Tây Ban Nha, họ đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông này tới 14%, thúc đẩy các công ty và chính quyền địa phương sử dụng ít nhiên liệu quan trọng hơn.
Các quốc gia châu Âu đang cố gắng tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng sau các vụ nổ làm hư hỏng đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn này cũng đang thực hiện các bước để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, chẳng hạn như việc Đức chuẩn bị một loạt các biện pháp có thể bao gồm trợ cấp tiêu thụ khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chính phủ Anh đã mở rộng chương trình trợ cấp năng lượng cho các doanh nghiệp để chi trả cho các hợp đồng đã ký từ tháng 12 năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, đại diện thương hiệu City Petro cho hay, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng.
Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.