Dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng, đáp ứng nhu cầu di dời, phát triển sản xuất các doanh nghiệp, từ đó giải quyết tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực, phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân tại địa phương.
Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: CB
Thời gian gần đây có nhiều phản ánh cho rằng, Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu đi vào hoạt động nhiều năm không có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, có nhiều công trình giống biệt thự cao cấp song lập, nhà ở cao tầng, nhà hàng kinh doanh, quán cà phê, nước giải khát tồn tại ngay trong cụm công nghiệp này.
Phóng viên đã tìm hiểu thông tin để làm rõ những phản ánh trên.
Theo tìm hiểu, Ngày 8/12/2011, UBND huyện Hoài Đức có Quyết định số 2907/QĐ-UBND giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu. Ngày 3/1/2012, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 16/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với quy mô 12,05ha theo hình thức đầu tư xây dựng mới.
Ngày 22/10/2012 UBND huyện Hoài Đức ra Quyết định số 3321/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu. Theo bảng điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất thì điều chỉnh giảm diện tích đất cho thuê của cụm công nghiệp; đất xây dựng trạm xử lý nước sạch, nước thải, trạm điện, chất thải rắn; đất bến bãi đỗ xe cụm công nghiệp; đất xây dựng trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề và ban quản lý cụm công nghiệp; đất giao thông; đất cây xanh.
Ngoài ra, theo điều chỉnh quy hoạch phân lô, cụm công nghiệp được quy hoạch thành các khu chức năng, trong đó có: 1 lô trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề (1.121m2); 1 lô nhà văn phòng và điều hành cụm công nghiệp (1.107m2) với quy mô 7 tầng.
Các hộ sản xuất, chủ đầu tư được xây dựng nhà xưởng đảm bảo chỉ tiêu sau: Mật độ xây dựng thuần (70%); mật độ xây dựng gộp (39,08%); tầng cao công trình: Nhà xưởng sản xuất 1 - 3 tầng, nhà điều hành và giới thiệu sản phầm là 7 tầng.
Ngày 12/5/2014, UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương, đại diện theo pháp luật là ông Phạm Xuân Đại, chức vụ Tổng Giám đốc; dự án có tổng vốn dự kiến 260 tỷ đồng, do nguồn vốn của công ty và huy động để đầu tư.
Ngày 26/4/2018, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương thuê đất để thực hiện dự án. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định tại bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Y tế lập năm 2012. Sau đó thành phố quyết định bổ sung, điều chỉnh lại tại Quyết định 5159/QĐ-UBND. Dự án được bàn giao mốc giới giữa chủ đầu tư với Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 28/1/2019.
Ngày 30/10/2019, UBND huyện Hoài Đức ra Quyết định số 5314/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án. Theo đó, điều chỉnh ranh giới, phạm vi quy hoạch: Giảm diện tích đường Dương Liễu - Đức Thượng nằm trong phạm vi dự án do tuyến đường này là tuyến thuộc huyện quản lý; tiếp tục thực hiện khu đất phía Nam cụm công nghiệp đã phê duyệt chưa giải phóng mặt bằng xong. Quy mô, diện tích sau khi điều chỉnh là 116.675,4m2. Đồng thời điều chỉnh chức năng sử dụng ô đất H2 có diện tích 1.066m2 từ đất hạ tầng kỹ thuật quy hoạch làm nhà máy xử lý nước thải sang đất sản xuất do Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà đủ công suất để xử lý toàn bộ nước thải của 3 xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và cả cụm công nghiệp.
Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu. Ảnh: CB
Trước đó, ngày 28/01/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 788 gửi chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề về việc khớp nối hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc khớp nối hệ thống nước thải của cụm công nghiệp làng nghề và Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà là đúng với chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền triển khai thực hiện khớp nối hệ thống thoát nước thải của cụm công nghiệp làng nghề với Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà.
Hiện nay, nước thải của cụm công nghiệp làng nghề được thu gom và đấu nối chảy toàn bộ qua hệ thống dẫn nước thải xã Minh Khai (hệ thống dẫn nước thải xã Minh Khai đi qua đất của cụm công nghiệp để vào Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà) rồi chảy vào Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà để xử lý, đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Việc đấu nối để xử lý nước thải của cụm công nghiệp được chủ đầu tư thực hiện đúng với Quyết định số 5314/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của UBND huyện Hoài Đức năm 2019. Tuy nhiên, dù thực hiện đấu nối đường dẫn nước thải của cụm công nghiệp làng nghề đúng với quy hoạch được phê duyệt, nhưng chủ đầu tư trước khi đấu nối chưa báo cáo và xin UBND huyện cấp phép đấu nối mà tự ý đấu nối theo quy hoạch là chưa đúng quy định.
Liên quan đến phản ánh có nhiều công trình giống biệt thự cao cấp song lập, nhà ở cao tầng, nhà hàng kinh doanh, quán cà phê, nước giải khát tồn tại ngay trong Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu có dấu hiệu sai phạm trật tự xây dựng. Ngày 22/9/2022, UBND huyện Hoài Đức đã có kết quả kiểm tra tại cụm công nghiệp này.
Theo kết luận, trong quá trình sử dụng đất cụm công nghiệp, cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đã phát hiện 4 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích (chuyển từ sản xuất công nghiệp sang kinh doanh dịch vụ). UBND xã Dương Liễu đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và trình UBND huyện Hoài Đức xử lý với tổng mức phạt là 22 triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Hồng - đại diện chủ đầu tư cho biết, Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu được triển khai trước khi Nghị định số 68 của Chính phủ ra đời, vì vậy chưa có quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể đối với cụm công nghiệp làng nghề này. Gần đây có nhiều phản ánh cho rằng có nhiều công trình giống biệt thự cao cấp song lập, nhà ở cao tầng, nhà hàng kinh doanh… trong cụm công nghiệp làng nghề là chưa phản ánh đủ thông tin. Vì trước Nghị định 68 của Chính phủ thì chưa có quy định cụ thể về kiến trúc xây dựng điển hình kiểu mẫu trong cụm công nghiệp làng nghề. Mỗi một doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, đều có một ngành nghề khác nhau, cho nên thiết kế của mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh là khác nhau.
“Trong trường hợp cụ thể tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu, nếu để nói có sai thì chỉ có thể sai về việc các nhà đầu tư thứ cấp sử dụng đất không đúng mục đích sản xuất, tự ý chuyển từ sản xuất công nghiệp sang kinh doanh dịch vụ. Còn về kiểu dáng thì chưa có quy định về kiến trúc mẫu, cho nên không thể nói một số nhà đầu tư thứ cấp trong cụm công nghiệp làng nghề xây không đúng quy định. Vì các nhà đầu tư thứ cấp đều được UBND huyện cấp phép xây dựng, không vượt quá diện tích mật độ xây dựng và chiều cao của công trình”, ông Hồng khẳng định.